BỘ CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÙNG TRUNG DU MIỀN NÚI BẮC BỘ

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Triển khai thực hiện Nghị quyết, sáng nay (15/4), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Triển khai thực hiện Nghị quyết, sáng nay (15/4), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Đây là lần đầu tiên Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, kết nối đến cấp Đảng bộ xã.

Trước đây, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010. Trong đó, xác định những vấn đề đặt ra đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn trong các chủ trương của Đảng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng.

Nghị quyết 37-NQ/TW ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng; được tổ chức triển khai chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương từ việc thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực đáng kể cho vùng. Nghị quyết 37-NQ/TW là cơ sở để các tỉnh xây dựng ban hành các khuôn khổ pháp luật các cơ chế, chính sách đảm bảo khác thác các nguồn lực cũng như lợi thế của địa phương, khắc phục từng bước các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn phát triển trước của khu vực. Việc thể chế hóa và đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã mang lại thay đổi tích cực trên tất cả lĩnh vực như kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng, bảo vệ và gìn giữ các bản sắc dân tộc, tôn giáo dân tộc, an sinh xã hội, tạo phát triển những nguồn lực của xã hội,... là một bước ngoặt rất lớn đó là quan điểm liên kết vùng, đảm bảo hài hòa phát triển vùng.

Đặc biệt, một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước về tăng trưởng; về phát triển ngành công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp mới như điện, điện tử; về phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả và lâm nghiệp; về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng; GRDP bình quân đầu người đạt mức vượt mục tiêu đặt ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó thủy điện, kinh tế cửa khẩu và du lịch đang trở thành những ngành kinh tế quan trọng; cơ cấu lao động chuyển dịch tương đối nhanh. Nông nghiệp vùng phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh; xuất khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu Nghị quyết. Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng nhanh; tỷ lệ hỗ trợ cân đối ngân sách địa phương giảm dần. Các khu vực kinh tế phát triển đa dạng. Các chỉ số về quản trị địa phương có nhiều cải thiện.

Phát triển văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đạt được nhiều tiến bộ; hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, từng bước ứng dụng cho phát triển vùng. Bố trí ổn định dân cư các xã biên giới được quan tâm. Công tác tôn giáo, dân tộc và chính sách xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trong 17 năm qua đã cho thấy Nghị quyết 37-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống; khẳng định các vấn đề được Bộ Chính trí đề ra là đúng và trúng.

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vũng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, đứng thứ 5 trong số các vùng kinh tế; Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao; Phát triển của các địa phương trong vùng có xu hướng phân hóa mạnh. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, có một số dự án công nghiệp chậm tiến độ, hiệu quả kém, thậm chí thua lỗ. Tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn thấp.

Trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải có một chủ trương mới, toàn diện tập trung, xuyên suốt với tư duy và tầm nhìn mới và phù hợp với thực tiễn đặt ra với vùng, đồng thời, cập nhật được các chủ trương, nhiệm vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.

Với tư duy, quan điểm, tầm nhìn mới phù hợp với bối cảnh mới, trong phương hướng phát triển kinh tế, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là đổi mới tư duy về liên kết vùng. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về đầu tư bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, vì vậy để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình trong nước và thực tiễn khách quan, việc có chủ trương, chính sách và tầm nhìn xa hơn để phát triển nhanh và bền vững vùng; từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác trong cả nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn về chính trị; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63694