Bộ chuẩn mầm non 5 tuổi: Hỗ trợ toàn diện và chuẩn bị tâm thế
Bộ chuẩn mầm non 5 tuổi là công cụ hữu ích cho giáo viên trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh, hoàn thiện để hỗ trợ toàn diện và chuẩn bị tâm thế cho các bé vào lớp 1.
Đem lại sự phát triển toàn diện
Cô giáo Nguyễn Thị Mộng Thùy, giáo viên Trường Mầm non Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã giúp đỡ rất nhiều cho giáo viên mầm non trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển trẻ em. Có thể coi đó là kim chỉ nam để giáo viên xây dựng những phương pháp tiếp cận phù hợp giúp trẻ 5 tuổi nâng cao các kỹ năng cần thiết với lứa tuổi và chuẩn bị tâm thế vào lớp 1. Bộ chuẩn cũng là điều kiện để giáo viên phát triển năng lực giảng dạy.
Được ban hành vào năm 2010, bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 28 chuẩn và 120 chỉ số trong 4 lĩnh vực cơ bản, gồm: Phát triển thể chất; Tình cảm và quan hệ xã hội; Ngôn ngữ và giao tiếp; Phát triển nhận thức. Bốn lĩnh vực này được xây dựng dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học, có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của trẻ mầm non.
Tuy nhiên, cô Thùy cho rằng một số chỉ số chưa phù hợp với điều kiện của trẻ em vùng nông thôn, nơi điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Do đó, nhiều trẻ mầm non vùng nông thôn không thể đạt hết các tiêu chí đề ra. Việc điều chỉnh bộ chuẩn có thể giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non vùng nông thôn.
Cô Đàm Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hiện đang được nhà trường áp dụng và triển khai hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực. Bộ chuẩn năm 2010 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị cho trẻ về mọi mặt như thể chất, tinh thần, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn bị cho trẻ tâm thế vào lớp 1.
Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi tham quan, trò chuyện và làm quen với nếp sinh hoạt, học tập tại cấp tiểu học. Điều này khơi dậy cho trẻ niềm hứng thú học tập, sự tự tin và tính kỷ luật khi bước vào môi trường mới.
"Bên cạnh những ưu điểm, bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi còn một số bất cập như nhiều chỉ số bị trùng lặp. Hơn nữa, hơn một thập kỷ qua, điều kiện đời sống, kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi nên việc điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi sẽ mang lại những điểm phù hợp với nhận thức và điều kiện của các em", cô Oanh chia sẻ.
Nâng chất giáo dục trẻ 5 tuổi
Hoan nghênh việc hoàn thiện bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, cô giáo Mộng Thùy chia sẻ: Hiện nay, nhiều trẻ em được bố mẹ cho xem TV, điện thoại từ rất sớm dẫn đến kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội của các bé còn hạn chế.
Do đó, cô Thùy bày tỏ mong muốn bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi sẽ “lấy trẻ làm trung tâm”, hình thành cho trẻ những năng lực cần thiết để chuẩn bị vào lớp 1 như kỹ năng nói, đọc, viết. Hiện nay, giáo viên hướng dẫn trẻ 5 tuổi làm quen, nhận diện chữ cái nhưng sẽ rất hữu ích nếu các bé được làm quen với kỹ năng viết nhiều hơn để không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1.
Đồng tình với quan điểm của cô Thùy, cô giáo Nguyễn Thanh Thùy, giáo viên Trường Mầm non Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Khi vào lớp 1, trẻ đã phải tập viết trong khi trẻ mẫu giáo 5 tuổi mới làm quen với chữ số, chữ cái; tập tô hoặc sao chép chữ. Vì vậy, để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cần giúp trẻ làm quen tốt hơn với việc luyện viết.
Mặt khác, cần căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, vùng miền khi đưa ra các chỉ số phát triển trẻ em 5 tuổi. Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Phú còn nhiều lớp ghép, điểm lẻ hay trẻ em là người dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn. Do đó, nhiều chỉ số các em mới dừng lại ở mức đạt.
Còn cô Hà Nguyễn Tố Quỳnh, giáo viên Trường Mầm non 19/5, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi giúp giáo viên đánh giá kết quả học tập của trẻ tốt hơn, đồng thời theo dõi sát sao sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, trẻ mẫu giáo 5 tuổi hiện nay ngày càng phát triển, khả năng nhận biết và nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh ngày càng cao hơn. Vì vậy, có thể bổ sung một số tiêu chí, chỉ số về kỹ năng như kỹ năng ứng phó với người lạ, kỹ năng xử lý tình huống…
Chia sẻ quan điểm về bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, cô giáo Đàm Thị Oanh bày tỏ: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi có thể thay đổi số lượng chỉ số đáp ứng nhu cầu thực tế. Mọi xây dựng đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ 5 tuổi.
Phạm Khánh