Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi, mới đây Bộ Giáo dục và đào tạo đã chính thức ký quyết định ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Bộ chuẩn gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: thể chất; tình cảm và xã hội; ngôn ngữ và giao tiếp; nhận thức; thẩm mỹ, tiếp cận với việc học.

Theo đánh giá, việc ra đời của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi thời điểm này là khá cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo sự liên kết xuyên suốt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ chuẩn tập hợp những chuẩn, chỉ số thuộc các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Trong 6 lĩnh vực mà Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đề cập, về thể chất phản ánh thông qua sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.

Riêng năng lực cơ bản trong lĩnh vực tình cảm - xã hội được phản ánh thông qua nhận thức bản thân và năng lực quan hệ xã hội. 4 chuẩn và 14 chỉ số ở lĩnh vực này đặt ra yêu cầu trẻ em nhận thức và thể hiện thái độ đối với bản thân; trẻ em có thể quản lý cảm xúc và thể hiện trách nhiệm đối với người khác; trẻ em ứng xử phù hợp với người khác và môi trường; trẻ em thể hiện sự trung thực trong giao tiếp và ứng xử với người khác.

Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thẩm mỹ được phản ánh thông qua cảm thụ cái đẹp và sử dụng nghệ thuật như là phương tiện để thể hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân. Các chuẩn, chỉ số trong lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của bản thân trẻ em trong các hoạt động nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống.

Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tiếp cận với việc học được phản ánh thông qua một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực học tập bền vững sau này như tự chủ với việc học, giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống.

Trẻ 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60 tháng đến 71 tháng. Nếu triển khai được đúng theo bộ chuẩn này, khi các em bước vào bậc tiểu học và những bậc học tiếp theo sẽ có sự liên thông về phát triển nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, thể chất, trí tuệ… Từ đó tạo điều kiện để trẻ em phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động xây dựng kế hoạch và nỗ lực hoàn thành những mục tiêu đề ra trong suốt quá trình học tập dưới mái trường phổ thông.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202501/bo-chuan-phat-trien-tre-em-5-tuoi-c6e4e40/