Bố có cách dạy con quản lý tài chính cực hay
Bằng phương pháp đơn giản, người bố đã dạy cho con trai mình cách quản lý tài chính và tăng thu nhập từ số tiền vốn có.
Mới đây, một ông bố tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện dạy con trai 10 tuổi quản lý tiền bạc và kiếm được 1570 NDT (khoảng 5,3 triệu đồng). Rất nhiều phụ huynh sau khi đọc xong câu chuyện đã dành lời khen ngợi và xin sự tư vấn từ ông bố này.
Theo đó, người bố chia sẻ vợ chồng anh thường xuyên thưởng cho con 10 NDT (35 nghìn đồng) sau mỗi lần dọn dẹp nhà cửa. Số tiền không lớn nhưng giúp con biết trân trọng sức lao động. Ngoài ra, khi con đạt giải thưởng trong các cuộc thi trong trường, anh sẽ thưởng cho con 50 NDT (khoảng 180 nghìn đồng).
Đặc biệt, phương pháp quản lý tiền tiết kiệm sẽ gồm chiếc túi nhỏ và một cuốn sổ. Người bố hướng dẫn con mình lập ra 2 cột thu – chi rõ ràng. Bên cột thu ghi lại số tiền thưởng, tiền được người thân tặng. Cột còn lại liệt kê các khoản đã chi tiêu trong mức cho phép. Ngoài ra, anh còn giao hẹn với con cứ tích lũy đủ 100 NDT (khoảng 340 nghìn đồng) sẽ được thưởng 10 NDT (35 nghìn đồng).
Trước phương pháp của người bố, cậu bé tỏ ra khá hào hứng, thích thú. Và chỉ sau 1 năm, cậu đã sở hữu 1570 NDT (khoảng 5,3 triệu đồng) đầu tiên trong cuộc đời. Cậu đã rất hạnh phúc và còn đặt ra quyết tâm trong năm tới sẽ tiết kiệm số tiền gấp đôi, gấp ba lần.
Người bố tự hào chia sẻ: "Điều quan trọng nhất mà con thay đổi là không còn tiêu tiền hoang phí, hiểu được đồng tiền rất khó kiếm. Giờ mỗi khi đến siêu thị, con nhìn những món đồ chơi đắt tiền sẽ không còn vòi vĩnh. Con sẽ suy nghĩ cách thức mua hàng giá rẻ như đợi đến đợt hạ giá".
Đọc xong những dòng chia sẻ của người bố, nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lòng buồn phiền khi nghĩ đến con cái họ. Đó đa số là những đứa trẻ chỉ biết xin tiền và tiêu tiền không kiểm soát.
Thực ra, các bậc cha mẹ không nên bất bình, khó chịu với trẻ trong vấn đề tài chính mà cần tự ngẫm lại bản thân. Tại sao cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số, thành tích học tập mà bỏ qua việc giáo dục tài chính? Nhà tỷ phú Warren Buffett từng chia sẻ: "Trẻ em không thể sống mà không tiêu tiền. Vì thế, các bậc cha mẹ nên trau dồi nhận thức cho con về vấn đề tài chính càng sớm càng tốt".
Vì sao phải dạy trẻ về tài chính sớm?
Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, khi mà ngày nào cũng tiếp xúc với vấn đề tiền bạc dù chỉ theo cách gián tiếp. Trẻ có nhiều cơ hội quan sát cha mẹ, anh chị, người thân và mọi người xung quanh sử dụng tiền để đi mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí,… Càng ngày càng có nhiều hình thức, công cụ tài chính xuất hiện như thẻ tín dụng, khoản vay, thẻ ATM,…
Một nền tài chính phức tạp như vậy càng yêu cầu cha mẹ có trách nhiệm giáo dục về tài chính cho con, đảm bảo khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành được trang bị tư duy, kiến thức đầy đủ. Bên cạnh đó, việc thiết lập thói quen tiêu dùng và tiết kiệm thông minh sẽ giúp trẻ thoát khỏi gánh nặng về tài chính. Trẻ sẽ chủ động hơn trong việc quản lý tiền bạc của mình.
Hơn nữa, việc dạy trẻ về tài chính sớm sẽ khiến trẻ không đòi hỏi những thứ vượt quá khả năng của cha mẹ. Hay đơn giản là trẻ không còn khóc lóc, ỉ ôi khi cha mẹ không mua cho món đồ yêu thích.
Cách hay dạy trẻ quản lý tài chính là gì?
Trong cuốn sách "Cha giàu, cha nghèo", tác giả Robert Kiyosaki từng viết: "Chừng nào trẻ có hứng thú với tiền thì đó là thời điểm thích hợp để các bậc cha mẹ dạy trẻ cách quản lý tiền".
Vì vậy, khi thấy con mình chăm chú xem tờ hóa đơn mua hàng hay muốn mua thứ gì đó thì cha mẹ cần nhận ra đây là thời điểm tốt nhất để hướng dẫn trẻ cách chi tiêu khoa học. Dưới đây là một số cách hay mà cha mẹ có thể tham khảo:
1. Trau dồi nhận thức về tài chính thông qua sách truyện hoặc trò chơi
Cha mẹ có thể chơi trò đóng vai với con. Trò chơi sẽ gồm nhiều mặt hàng khác nhau, được dán giá và bày biện đẹp mắt. Sau đó, trẻ có thể đóng vai khách hàng, dùng tiền với mệnh giá khác nhau để mua sắm. Trong quá trình chơi, cha mẹ cần nói với con chỉ được mua món đồ thật sự cần thiết và giới hạn số lượng hàng hóa.
Thông qua trò chơi này, trẻ sẽ suy nghĩ về mối quan hệ tương ứng giữa tiền bạc và đồ vật. Đồng thời, trẻ hiểu rằng tiền nên được chi cho những thứ quan trọng nhất.
2. Tham gia thực hành trong cuộc sống để hiểu khái niệm nguồn tiền
Một số nhà chuyên gia từng tổ chức cuộc khảo sát đối với học sinh bậc Tiểu học. Họ phát hiện chỉ 1/5 số trẻ biết tiền là do cha mẹ vất vả kiếm được. Số trẻ còn lại nghiễm nhiên coi cha mẹ là cây ATM mà có thể sử dụng bất cứ khi nào.
Vậy làm thế nào để trẻ hiểu tiền kiếm được từ đâu? Cha mẹ có thể dẫn con đến nơi mình làm việc để con thấy việc kiếm tiền khó khăn như thế nào. Ngoài ra, hãy cho con kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, chẳng hạn như làm việc nhà, phân loại đồ phế thải để bán,… Khi hiểu rằng việc kiếm tiền không dễ dàng, trẻ sẽ cảm thấy "đau khổ" mỗi khi phải tiêu tiền.
3. Cho trẻ tiền ăn vặt để rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính
Sau khi trẻ 6 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt thích hợp, đồng thời nên chia bình quân thành 3 phần: Tiền tiết kiệm cố định, tiền chi tiêu cần thiết và quỹ ước mơ. Cha mẹ hãy thường xuyên cùng con tổng kết việc sử dụng tiền tiêu vặt trong tuần để trẻ nắm được quy trình quản lý.
Cha mẹ hãy dạy con cách giữ tài khoản để từ đó hình thành thói quen tốt. Tiết kiệm trước, tiêu sau là cách tốt nhất để trẻ không rơi vào tình trạng thiếu tiền. Hãy cất phần dành dụm để phòng khi có trường hợp cấp thiết xảy ra.
Đối với việc tiêu tiền, cha mẹ cần dạy trẻ cách so sánh giá cả các sản phẩm, cách mua được sản phẩm giá thấp,… Và điều quan trọng là biết phân tích ưu điểm, nhược điểm của món đồ trước khi quyết định mua bán.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-co-cach-day-con-quan-ly-tai-chinh-cuc-hay-20230226134555223.htm