Bỏ Cơ quan điều tra VKSND tối cao: 'Cần nghiên cứu thấu đáo'
Tại cuộc họp thẩm định Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng như Cơ quan điều tra trong quân đội.
Chiều 5-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Cuộc họp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật) đã nêu những nội dung cơ bản của dự luật, trong đó có nội dung không quy định Cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSND tối cao trong hệ thống CQĐT.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Thị Hoàng Oanh chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi).
Theo ông Thắng, VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra thì sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự, không bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa CQĐT và VKS.
Đồng thời, ông Thắng cho biết dự luật bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. Tức là, sau khi bỏ CQĐT của VKSND tối cao thì thẩm quyền điều tra nói trên sẽ thuộc Cơ quan ANĐT Bộ Công an...
Từ phía VKSND tối cao, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng việc không tiếp tục tổ chức CQĐT trong VKSND là vấn đề lớn, cần được đánh giá tác động đầy đủ, khách quan và cần có sự thống nhất cao giữa các cơ quan chức năng.
Theo bà Chi, VKS là thiết chế hiến định, độc lập, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, trực tiếp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của các cơ quan tư pháp, nên là cơ quan duy nhất có điều kiện theo sát, nắm chắc các hoạt động giải quyết vụ việc, vụ án của các chủ thể tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc tổ chức CQĐT tại VKSND tối cao để điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp cũng như tội về tham nhũng, chức vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp là cần thiết và phù hợp.
Về phía Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự cho rằng việc thu hẹp thẩm quyền của CQĐT quân đội như dự thảo là không phù hợp với tiến trình chung cũng như đặc thù lĩnh vực quốc phòng. Ông cũng cho rằng cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND tối cao như hiện hành.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy cũng cho rằng CQĐT trong QĐND có mô hình phù hợp với đặc thù quân sự, bí mật quốc phòng, đòi hỏi nghiệp vụ chuyên sâu và am hiểu kỹ thuật quân sự. Ngoài ra, trong chiến tranh hoặc tình huống khẩn cấp, CQĐT trong QĐND phải cơ động cùng đơn vị chiến đấu...

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, VKSND tối cao phát biểu tại cuộc họp.
Về phía cơ quan thẩm định, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính hình sự, Bộ Tư pháp cho rằng cũng như các luật khác, việc sửa đổi Luật Tổ chức điều tra hình sự lúc này là gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Cho nên, phạm vi sửa đổi chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ này. Còn tổ chức, thẩm quyền, hoạt động của CQĐT, nhất là CQĐT trong quân đội, CQĐT VKSND tối cao đều là vấn đề lớn, chưa cấp bách, nếu cần thì phải có thời gian nghiên cứu thấu đáo.
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Thị Hoàng Oanh đánh giá hầu hết thành viên Hội đồng Thẩm định đều cho rằng cần giữ nguyên thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND tối cao cũng như CQĐT trong quân đội.
Bà cũng dẫn lại Kết luận 92 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 27 của Trung ương về nhà nước pháp quyền, và đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ nên tập trung sửa đổi các vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, trong đó có việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không còn công an cấp huyện. Còn các nội dung khác cần thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-can-nghien-cuu-thau-dao-post842918.html