Bỏ công an cấp huyện, mỗi xã sẽ có tối thiểu 30 cán bộ công an
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi xã sẽ có 30 - 40 cán bộ công an, thậm chí ở địa bàn đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM, có thể có tới 50 - 60 người.
Chiều 27/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều ĐBQH quan tâm đến quy định bố trí điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức công an cấp huyện.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Media Quốc hội.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, trước khi bỏ công an cấp huyện, cơ quan điều tra của cấp huyện tại tỉnh Đồng Nai trung bình có khoảng 15 điều tra viên, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tố tụng.
Khi bỏ công an cấp huyện, toàn bộ hoạt động của đội điều tra hình sự cấp này được giao về phòng điều tra hình sự của công an cấp tỉnh để điều phối, đồng thời, một số huyện trọng điểm có phân công đội điều tra để thực hiện nhiệm vụ giúp công an tỉnh.
Theo đại biểu, sau khi tìm hiểu từ phía các điều tra viên cho thấy công việc rất vất vả, với các xã có điều tra viên cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, cung cấp hồ sơ cho đội điều tra của công an cấp tỉnh mà không thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của một điều tra viên.
Do đó, việc dự thảo Luật quy định bố trí trưởng hoặc phó công an cấp xã làm nhiệm vụ điều tra viên, theo đại biểu là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, ông cho rằng, chỉ có một trưởng hoặc một phó trưởng công an cấp xã làm nhiệm vụ điều tra viên sẽ không thể đảm đương được, từ đó, đề nghị xem xét tăng số lượng điều tra viên này lên 2 người.
Mặt khác trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh/thành, việc đưa hồ sơ từ công an xã đến công an tỉnh để trình ký duyệt khởi tố vụ án, khởi tố bị can mất rất nhiều thời gian do nhiều vụ án phải xem thật kỹ hồ sơ mới có thể ký và chuyển qua Viện kiểm sát để phê chuẩn.
Do đó, ông đề xuất nên hình thành một cơ quan điều tra cấp khu vực với số ít người, cùng với công an xã, điều tra viên cấp khu vực sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra các vụ án toàn khu vực đó, tương đồng với tòa án và viện kiểm sát, sẽ thực tiễn và hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM). Ảnh: Media Quốc hội.
Cũng quan tâm nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở, trong đó có việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên, trưởng công an, phó trưởng công an cấp xã, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này sao cho phù hợp với năng lực của công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.
Theo nữ đại biểu, việc giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn pháp lý tối thiểu đối với các điều tra viên, không chỉ đơn thuần là bố trí điều tra viên từ cấp tỉnh về mà cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ, đồng thời cơ chế kiểm soát quyền lực phải được đặc biệt chú trọng.
Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã, phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.
"Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết. Có lẽ nên cân nhắc một lộ trình, triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn, sau đó có điều kiện trước khi áp dụng rộng rãi", đại biểu Lệ nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ảnh: Media Quốc hội.
Giải trình ý kiến các ĐBQH, ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, bổ sung thẩm quyền, nghĩa vụ, quyền hạn của điều tra viên trung cấp trở lên mà được bố trí là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã, phù hợp với thực tiễn và hết sức cần thiết.
"Các đại biểu bày tỏ ý kiến lo lắng về quy định này, tôi cho là rất đúng vì lần đầu tiên chúng ta tổ chức lực lượng điều tra ở cấp xã. Trước đây giao cho công an cấp xã làm một số nhiệm vụ nhưng chưa phải thực hiện nhiệm vụ điều tra. Hiện nay đã bổ sung nhiệm vụ này nhưng phải trên tinh thần đảm bảo yêu cầu liên quan đến quyền con người. Việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng nên các trình tự, thủ tục phải hết sức chặt chẽ", ông Tiến nói.
Đồng tình với ý kiến đại biểu về việc phải tăng cường năng lực cho lực lượng công an xã khi giao thẩm quyền điều tra, khởi tố các vụ án, ông Tiến cho biết, lực lượng điều tra viên ở công an xã tới đây được tăng cường từ cấp tỉnh, cấp huyện.
"Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi xã sẽ có 30 - 40 cán bộ công an, thậm chí ở địa bàn đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM có thể có 50 - 60 cán bộ công an. Số lượng điều tra viên tương ứng từ 6 - 7 hoặc 8 - 10 điều tra viên", ông Tiến cho biết.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự thảo luật chỉ quy định điều tra viên trung cấp trở lên là phó, trưởng công an xã được thực hiện một số thẩm quyền do thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh ủy quyền trực tiếp thông qua luật.
"Trưởng hoặc Phó trưởng công an được chỉ huy điều tra viên ở công an xã, chứ không phải ở xã chỉ có 1 điều tra viên", ông Tiến nói thêm.