Bộ Công an: Chưa thể đánh giá hết hệ lụy sức khỏe người tiêu dùng vụ dầu giả Ofood

Về đường dây buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn liên quan nhãn hiệu thực phẩm Ofood, Bộ Công an nhận định đây là hành vi rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chiều 3/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà. Ảnh: VGP.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình triển khai tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau 3 ngày đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, Thủ tướng đã ban hành 28 nghị định và các bộ ban hành 58 thông tư phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện, đồng thời quy định rõ thẩm quyền, hồ sơ, thời gian, chi phí trong thủ tục hành chính để áp dụng từ 1/7.

Theo đó, có 556 thủ tục hành chính được phân cấp từ Trung ương về địa phương, gồm: 262 thủ tục thuộc UBND tỉnh, 217 thủ tục thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, 70 thủ tục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 6 thủ tục thuộc UBND xã, 1 thủ tục thuộc Chủ tịch UBND xã và bãi bỏ 24 thủ tục.

Sau khi các nghị định được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đã công bố công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành trước ngày 20/6/2025. Nhiều bộ cũng đã gửi văn bản hoặc công khai danh mục trên cổng thông tin điện tử để chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, tiếp cận và thực hiện.

Bộ Nội vụ đã xây dựng và gửi về địa phương cẩm nang hướng dẫn chính quyền cấp xã, thiết kế thực tiễn, cụ thể hóa rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và tình huống phát sinh tại cơ sở, góp phần bảo đảm thống nhất và hiệu quả tổ chức thực hiện.

Các thủ tục được ban hành sớm, vận hành cơ bản thông suốt từ 1/7/2025.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: VGP.

Với câu hỏi liên quan đến Nghị định số 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc triển khai Nghị định 117 đang được thực hiện đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước đến các sàn thương mại điện tử.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7, đánh dấu bước tiến mới trong quản lý thuế trên nền tảng số. Theo đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân sẽ do sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh.

Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Tài chính chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu định danh như mã số thuế, tình trạng hoạt động, đồng thời đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025) nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm của sàn đối với các mô hình mới như livestream bán hàng, tạo thuận lợi cho cá nhân kinh doanh tuân thủ nghĩa vụ thuế.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Anh Tuấn.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Anh Tuấn.

Thông tin vụ sữa giả Hiup và dầu ăn chăn nuôi dùng cho người, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất sữa giả, thực phẩm giả rất tinh vi, từ việc chuẩn bị công ty bình phong đến nhập nguyên liệu, sản xuất và quảng cáo sản phẩm.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết trong tháng cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan hành vi này; xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng.

Người phát ngôn Bộ Công an nhận định diễn biến những vụ việc này còn rất phức tạp, thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi, từ khâu chuẩn bị thành lập các công ty bình phong và hệ sinh thái đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ.

"Việc này đi theo chu trình tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng và có tính chất rất nguy hiểm, như sản phẩm dầu ăn Ofood đã đi vào các bữa ăn hàng ngày", ông Toản dẫn chứng.

Về vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả Hiup, người phát ngôn Bộ Công an cho biết đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi. Một là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và hai là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Về đường dây buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn liên quan nhãn hiệu thực phẩm Ofood của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food, biến dầu cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người, đại diện Bộ Công an nhận định đây là hành vi rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng.

Về trách nhiệm của cơ quan chức năng và những người quảng cáo sản phẩm giả, Bộ Công an cho biết sẽ thông tin khi có kết quả điều tra.

Cả hai vụ án đang trong quá trình điều tra, trên tinh thần tập trung, khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, thận trọng, khách quan, đúng bản chất.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/bo-cong-an-chua-the-danh-gia-het-he-luy-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-vu-dau-gia-ofood-192250703191756654.htm