Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng đang trốn ở nước ngoài

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong giai đoạn 2008 – 2024, Bộ Công an đã lập và chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Theo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ (giai đoạn 2008 – 2024) của Bộ Công an, đến tháng 10/2024, Bộ đã tiếp nhận và xử lý 43 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến.

Cũng tính đến tháng 10/2024, Công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Theo đó, Bộ Công an đã lập và chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong đó, đã dẫn độ được 16 đối tượng về Việt Nam; Phía nước ngoài từ chối dẫn độ 18 đối tượng; Kết thúc 2 yêu cầu dẫn độ do đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã chết hoặc bị bắt giữ khi quay trở về Việt Nam. Bộ Công an đang tích cực đôn đốc phía nước ngoài xem xét, giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.

Theo Bộ Công an, việc tăng cường ký kết và áp dụng các Điều ước quốc tế song phương về dẫn độ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác này.

Trên thực tế, các Điều ước quốc tế nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề không tương thích về pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ.

Vì vậy, tăng cường ký kết và áp dụng các Điều ước quốc tế song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này.

Đặc biệt, thời gian gần đây các đối tượng phạm tội bỏ trốn sang các quốc gia châu Âu nhằm lợi dụng quy định bắt buộc của pháp luật các quốc gia này về việc nước yêu cầu dẫn độ phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.

Một số đối tượng phạm tội hình sự thông thường nhưng đã dùng thủ đoạn gian dối để xin cấp quy chế tị nạn tại nước ngoài hoặc tại cơ quan có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc, gây khó khăn cho việc dẫn độ.

Bên cạnh đó, do dẫn độ là kênh hợp tác chính thức của Nhà nước, việc áp dụng phải bảo đảm không chỉ các yêu cầu về pháp luật, nghiệp vụ mà cả các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, đồng thời, phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí hợp tác của phía nước ngoài nên hiệu quả thường không cao và thời gian thực hiện kéo dài.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-cong-an-da-gui-98-ho-so-yeu-cau-dan-do-doi-tuong-dang-tron-o-nuoc-ngoai-2345491.html