Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Bộ Công an đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm triển khai thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đảm bảo đối với công tác thi hành tạm giữ, tạm giam như về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; về thiết kế, thi công xây dựng các công trình giam giữ theo các quy chuẩn kỹ thuật riêng, bảo đảm tính đặc thù và an toàn tuyệt đối của các cơ sở giam giữ; về bố trí cán bộ, nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác.
Ngoài những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nêu trên, qua thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các chế định mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, đáp ứng xu hướng của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội; thể chế hóa chủ trương của Đảng và nhà nước trong xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn với công tác chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao, chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng CAND trong điều kiện cách mạng 4.0.
Những tồn tại, khó khăn nêu trên đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Do đó, việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết, nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ-thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú điều chỉnh về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam... Dự án Luật sẽ sửa đổi cơ bản các quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Bộ Công an đã đề xuất 3 chính sách. Bộ Công an đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhằm thiết lập các quy định để quản lý chặt chẽ đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, quy định rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ nhằm đảm bảo sự thông suốt, thống nhất trong quản lý thông tin, dữ liệu tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ phục vụ công tác quản lý giam, giữ; đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát hiện, cảnh báo các nguy cơ có thể diễn ra trong trại tạm giam, nhà tạm giữ; đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về đảm bảo tính đặc thù trong thiết kế, xây dựng mô hình cơ sở giam giữ.
Ở chính sách cuối cùng, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tham giữ, tạm giam, quy định về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, quy định về chế độ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và quy định về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án.
Toàn văn dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 18/7/2024.