Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh: Phù hợp xu hướng tiến bộ
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo tờ trình, dự thảo BLHS sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Dự kiến dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2025).

Theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình. Ảnh minh họa: Một phiên tòa xét xử tội phạm có khung hình phạt đến tử hình. Ảnh: HOÀNG GIANG
Quy định của BLHS đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập
Theo tờ trình của Bộ Công an, sau tám năm thi hành, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 góp phần quan trọng trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân. Tuy nhiên, tình hình đất nước có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của BLHS đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.
Bộ Công an đề xuất thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở các tội gián điệp, tham ô tài sản và nhận hối lộ.
Hiện nay, BLHS vẫn quy định 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này như tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Một số tội khác thì tòa ít áp dụng hình phạt tử hình như tội tham ô tài sản, nhận hối lộ…
Về phạm vi không áp dụng hình phạt tử hình, trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu là những căn bệnh như một bản án tử hình nhưng vẫn phải tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án (THA) mà chưa có quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không THA tử hình với những đối tượng này.

Một phiên tòa xét xử tội phạm tham ô tài sản. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đề xuất phù hợp thực tiễn
Việc “giảm tội bị áp dụng hình phạt tử hình” là một trong những nội dung được đưa ra trong Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đối với các tội danh được xác định phải bỏ hình phạt tử hình thì cần đảm bảo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
Theo tôi, đa số các tội danh mà Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình là hợp lý bởi vì việc quy định hình phạt tử hình đối với các tội danh này là không cần thiết và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Chẳng hạn các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194 BLHS), tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS) và tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) là các tội phạm mang tính vụ lợi, được thực hiện nhằm mang lại những lợi ích vật chất cho người phạm tội. Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội này là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250 BLHS) thì tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thấp hơn so với tội mua bán trái phép hoặc tội sản xuất trái phép chất ma túy, người phạm tội thường là những người lao động nghèo… nên việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm này cũng không hợp lý.
Bên cạnh đó, đối với tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421 BLHS) thì kể từ khi ban hành BLHS năm 1985 đến nay, quy định về tội phạm này chưa từng áp dụng tại Việt Nam nên việc bỏ hình phạt đối với tội phạm này là phù hợp với thực tiễn.
Riêng đối với các tội phạm còn lại thuộc nhóm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS), tội gián điệp (Điều 110 BLHS) và tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114 BLHS) thì việc bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS) cần nên xem xét cẩn thận. Bởi so với hai tội phạm còn lại thì đây là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn khi mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Do đó, đối với tội phạm này thì vẫn nên duy trì hình phạt tử hình nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, bảo vệ sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân.
TS TRẦN THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM
Đề xuất hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Dự thảo BLHS dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại với năm tội danh. Cụ thể gồm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Việc này thực hiện theo đề án rà soát, đánh giá những bất cập trong BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật THA hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và THA tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù mà Đảng ủy VKSND Tối cao đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở các tội: Gián điệp (Điều 110), tham ô tài sản (Điều 353) và nhận hối lộ (Điều 354).
Như vậy, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở BLHS hiện hành.
Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tòa án có thể tuyên hoãn THA tử hình hai năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình.
Phù hợp xu hướng toàn cầu
Góp ý về đề xuất trên của Bộ Công an, luật sư Nguyễn Hoài Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận hình phạt tử hình là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất nhằm trừng trị các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc giữ hay loại bỏ án tử hình là vấn đề tranh cãi nhiều năm nay.
BLHS qua các thời kỳ đã có giảm về số tội danh có khung hình phạt tử hình. Đến BLHS hiện hành, số tội có khung hình phạt tử hình đã giảm xuống còn 18 tội danh. Đến nay, Bộ Công an tiếp tục đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở tám tội danh. Đây là một bước tiến đáng kể trong quá trình nhân đạo hóa pháp luật hình sự.
“Theo tôi, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với tám tội danh là sự phù hợp với xu hướng của thời đại, mang tính nhân văn của nhà nước ta, giúp cho người phạm tội cải tạo tốt, có ý chí phấn đấu tốt, khả năng hoàn lương cao. Khi vẫn còn cơ hội được sống, người phạm tội thấy được cuộc sống này vẫn còn “màu hồng”. Họ vẫn còn cơ hội để thay đổi, để hoàn lương. Người phạm tội sẽ giảm những phản ứng tiêu cực. Nếu người phạm tội có trình độ thì trong quá trình cải tạo, họ sẽ yên tâm và hết lòng cống hiến lại những kiến thức mà họ đã học cho Nhà nước khi cần thiết.
Một bộ luật mang tính nhân văn cũng sẽ ảnh hưởng tới hành vi của người phạm tội. Tội phạm cũng sẽ ít tái phạm hay có những bất hợp tác khi họ thụ án” - luật sư Vũ nói.
Chi tiết hơn về các tội danh, theo ông Vũ, trong tám tội danh dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình có tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354). Đối với hai tội danh này, chủ thể của tội phạm là những người có chức vụ, quyền hạn. Sau khi bị phát hiện hành vi phạm tội, họ sẽ luôn có xu hướng tìm mọi cách để che giấu hành vi phạm tội, tiêu hủy những chứng cứ để không bị “án tử”. Vì vậy, nếu giảm xuống chung thân thì người phạm tội có động lực, sẽ hợp tác để cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, việc này còn tăng khả năng thu hồi được tài sản tham nhũng, có cơ sở cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại gây ra.•

Phiên tòa xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phương án góp phần thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại
Theo số liệu về xu hướng hạn chế và tiến tới xóa bỏ án tử hình trên thế giới được trích dẫn từ các báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Liên hợp quốc cũng như thông tin trên báo chí thì tính đến năm 2022, thế giới có 112 quốc gia đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình, 55 quốc gia vẫn áp dụng hình phạt này và 32 quốc gia chưa bãi bỏ hoàn toàn án tử hình nhưng đã đặt nó dưới lệnh tạm hoãn.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào ngày 24-9-1982. Đây là một trong những công ước cơ bản về quyền con người, cho phép các quốc gia áp dụng án tử hình nhưng phải giới hạn trong những tội “nghiêm trọng nhất”.
Tuy Việt Nam chưa cam kết quốc tế về việc xóa bỏ án tử hình hoàn toàn nhưng đang dần nội luật hóa xu hướng nhân đạo hóa hình phạt.
Ngoài ra, các lần kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Liên hợp quốc, Việt Nam có tiếp nhận khuyến nghị từ các quốc gia về giảm phạm vi áp dụng hoặc hướng đến xóa bỏ án tử hình.
Nhiều quốc gia châu Âu, Nam Mỹ và một số nước châu Phi đã gia nhập Nghị định thư số 2 của ICCPR (Optional Protocol 2) - về xóa bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia nghị định thư này.
Thông tin liên quan án tử hình ở ba quốc gia đông dân nhất:
Trung Quốc vẫn còn mức án tử hình, thi hành nhiều nhất thế giới, xu hướng giảm dần nhưng vẫn duy trì. Mỹ: Còn tử hình, chỉ một số bang thi hành, xu hướng giảm và phân hóa giữa các bang. Ấn Độ: Còn tử hình, rất hiếm thi hành, xu hướng nhân đạo hóa, chủ yếu tuyên rồi chuyển tù chung thân.
Theo tôi, cần thiết giảm hình phạt tử hình liên quan một số tội danh và tiến dần đến việc loại bỏ hình phạt tử hình. Vì các lý do:
Thứ nhất: Mạng sống con người là tối cao. Việc xét xử có thể bị sai lầm, nếu THA tử hình thì không thể khắc phục được.
Thứ hai: Các nước trên thế giới có xu hướng bỏ tử hình. Việc THA tử hình không chứng minh được hiệu quả vượt trội trong phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba: Có thể áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án thay cho hình phạt tử hình. Cho phép người phạm tội có cơ hội cải tạo, đóng góp vào việc thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại. Người bị kết án có thể tham gia lao động tạo ra giá trị tài sản hoặc hợp tác trong điều tra để giúp điều tra thêm tội phạm khác.
Luật sư NGUYỄN NGÔ QUANG NHẬT, Đoàn Luật sư TP.HCM
Bà trùm ma túy Oanh Hà bị tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng cơ chế phòng ngừa tội phạm từ gốc
Xu hướng toàn cầu về giảm thiểu và bãi bỏ hình phạt tử hình dựa trên nhiều cơ sở khoa học và nhân văn sâu sắc. Nhiều nghiên cứu so sánh về tỉ lệ tội phạm giữa các quốc gia đã bãi bỏ và còn duy trì án tử hình cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc duy trì hình phạt này với tỉ lệ giảm tội phạm nghiêm trọng.
Về khía cạnh tư pháp, việc tuyên các án tử hình về mặt thực tế chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào sai lầm. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết mà nói, khó có điều gì là mãi mãi. Trong khi đó, khi đã thi hành án tử hình, khó mà có cơ hội sửa chữa.
Ngoài ra, đối với các tội phạm kinh tế và tham nhũng tại Việt Nam, các nghiên cứu về tội phạm học hiện đại đã chỉ ra rằng hiệu quả răn đe không chỉ đến từ mức độ nghiêm khắc của hình phạt mà còn phụ thuộc vào sự quyết liệt và mạnh mẽ của việc phát hiện và xử lý.
Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra rằng đối với những loại án này, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có là một trong những ưu tiên, bởi vì mục đích của loại tội phạm này suy cho cùng là các lợi ích về vật chất và khách thể mà tội phạm này xâm phạm có chứa đựng các giá trị về mặt vật chất và tài sản, làm thiệt hại hoặc thất thoát tới các lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Khi xem xét việc bãi bỏ án tử hình tại Việt Nam, cần đánh giá đa chiều dựa trên đặc thù của từng loại tội phạm và điều kiện xã hội cụ thể của đất nước.
Đối với tội phạm kinh tế và chính trị không có yếu tố bạo lực, việc bãi bỏ án tử hình kết hợp với các biện pháp thu hồi tài sản, phạt tù chung thân và các chế tài kinh tế nghiêm khắc có thể mang lại hiệu quả tích cực hơn. Các đối tượng phạm tội kinh tế thường cân nhắc lợi ích và rủi ro trước khi hành động. Do đó, chính sách cho phép giảm nhẹ hình phạt khi tự nguyện khắc phục hậu quả có thể thúc đẩy việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn cho ngân sách nhà nước Việt Nam.
Việc bãi bỏ án tử hình cần đi kèm với việc củng cố đồng bộ các yếu tố khác của hệ thống tư pháp Việt Nam. Cần có sự kết hợp giữa hình phạt tù chung thân không giảm án và cả hình phạt tù có hệ thống giám sát sau khi mãn hạn tù nghiêm ngặt và cơ chế phòng ngừa tội phạm từ gốc. Đây là những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn xã hội khi không còn hình phạt tử hình.
Riêng về tội nhận hối lộ, phân tích thực tế tại Việt Nam cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa mức độ nghiêm khắc của hình phạt và hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, với đặc thù về tình hình tham nhũng và yêu cầu tăng cường kỷ cương, pháp chế thì việc duy trì hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ ở mức đặc biệt nghiêm trọng vẫn nên được coi như một biện pháp hữu hiệu đối với đấu tranh phòng và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần có các nghiên cứu kỹ hơn để có một lộ trình loại bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này trong tương lai nếu như phù hợp.
ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM