Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ

Tại Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Bộ Công an đề xuất hàng loạt quy định mới, trong đó có việc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình”, tại tờ trình dự án Luật này, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) 5 tội danh, bao gồm:

Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109); Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (Điều 114); Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194); Tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250 Bộ luật Hình sự); Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421).

Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Như vậy, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình về Tội tham ô tài sản

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình về Tội tham ô tài sản

Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình, bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Quy định này vừa đảm bảo tính nhân đạo, vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết một số vướng mắc bất cập về thời hạn nêu trên.

Lý giải về đề xuất này, theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy, trường hợp thi hành án tử hình nhanh nhất cũng mất 16 tháng với bị án không xin ân giảm và 30 tháng với bị án xin ân giảm, nên việc tạm hoãn 2 năm là phù hợp. Trong 2 năm đó, các đối tượng nêu tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự có thời gian để thực hiện khắc phục hậu quả (nộp 3 /4 tài sản tham nhũng để chuyển thành tù chung thân).

Mặt khác, việc quy định thời hạn áp dụng khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự là 2 năm vừa đảm bảo công bằng tránh việc lợi dụng. Thời hạn 2 năm để xét đơn ân giảm cũng giúp giảm áp lực cho Chủ tịch nước và các cơ quan giải quyết đơn xin ân giảm.

Ngoài ra, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn bổ sung quy định tại Điều 60 về trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án tử hình. Theo đó, sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án; bổ sung quy định về thủ tục tố tụng khi người bị kết án được chuyển sang hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.

Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-cong-an-de-xuat-bo-hinh-phat-tu-hinh-voi-toi-tham-o-tai-san-va-toi-nhan-hoi-lo-post607995.antd