Bộ Công an hợp nhất quy định về mẫu hộ chiếu
Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành văn bản hợp nhất quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ký ban hành văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCA hợp nhất Thông tư quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, hiệu lực thi hành kể từ ngày 21-5-2022.
Theo đó, quy cách, kỹ thuật chung của hộ chiếu quy định mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử.
Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu là tiếng Việt và tiếng Anh.
Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn năm năm hoặc 10 năm, 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng. Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88 mm x 125 mm ± 0,75 mm. Bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18 mm ± 0,3 mm.
Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
Các mẫu hộ chiếu gồm có: Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG); Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV); Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT).
Đối với mẫu giấy thông hành, quy cách kỹ thuật chung của giấy thông hành quy định mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên giấy thông hành. Ngôn ngữ sử dụng trong giấy thông hành: tiếng Việt và tiếng Campuchia đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia; tiếng Việt và tiếng Lào đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào; tiếng Việt và tiếng Trung Quốc đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Số trang trong giấy thông hành không kể trang bìa: 16 trang đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia và giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào, 28 trang đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Kích thước theo chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88 mm x 125 mm x 0,75 mm. Bìa giấy thông hành là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Toàn bộ nội dung in trong giấy thông hành được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả.
Các mẫu giấy thông hành, gồm có:
- Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia, trang bìa màu xanh tím (mẫu GTHVN-C).
- Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào, trang bìa màu xanh da trời (mẫu GTHVN-L).
- Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc cấp cho cán bộ, công chức, trang bìa màu nâu (mẫu GTHVN01-TQ).
- Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc cấp cho cư dân biên giới, trang bìa màu ghi xám (mẫu GTHVN02-TQ).
Nghiên cứu bổ sung mục nơi sinh
Từ 1-7-2022, công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam đang ở nước ngoài sẽ bắt đầu được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử theo mẫu mới.
Công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 1-7-2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.
Với các mẫu Hộ chiếu ngoại giao, công vụ, phổ thông gắn chip điện tử, Bộ Công an dự kiến sẽ cấp phát cho công dân vào quý III-2022.
Sau thời gian ngắn triển khai, hiện có phát sinh khi một số quốc gia tạm thời dừng cấp thị thực trên mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam do thiếu thông tin về nơi sinh.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng các nội dung của Luật Xuất nhập cảnh 2019. Hộ chiếu này thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Hầu hết các quốc gia vẫn công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, chỉ một số nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc tạm thời chưa công nhận do vướng một số vấn đề mang tính kỹ thuật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài học tập, du lịch, làm việc, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang phối hợp với nhau và phối hợp với ba nước này để xử lý các vấn đề kỹ thuật.
Trước mắt, Bộ Công an quyết định sẽ ghi bổ sung vào phần bị chú trong hộ chiếu nội dung về nơi sinh. Nếu cần thiết, công dân có thể đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cục Xuất nhập cảnh để bổ sung mục bị chú.
“Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các điều luật, quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề hộ chiếu để có thể bổ sung mục nơi sinh trong phần nhân thân của hộ chiếu…” - ông nói thêm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-cong-an-hop-nhat-quy-dinh-ve-mau-ho-chieu-post692473.html