Bộ Công an mở cao điểm trấn áp tín dụng đen dịp Tết
Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cuối năm, bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công an chỉ đạo đấu tranh xử lý quyết liệt liên quan đến tín dụng đen…
Nở rộ chiêu trò cho vay lãi nặng
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất càng lớn. Lợi dụng điều này, “tín dụng đen” với nhiều chiêu trò, thủ đoạn, trong đó có những app công nghệ trên điện thoại di động bủa vây công nhân lao động, gây ra những hệ lụy khó lường dịp cuối năm.
Thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng (app) trên điện thoại di động. Băng nhóm này tạo ra các app cho vay như Vaytocto, Moreloan, VD online với lãi suất “cắt cổ”.
Đơn cử, app Moreloan và VD online khi đăng ký vay 1,5 triệu đồng, người vay chỉ nhận được 900.000 đồng, 600.000 đồng còn lại là phí dịch vụ và lãi suất trong 7 ngày. Sau 7 ngày người vay cần trả 1,5 triệu đồng, nếu chậm thanh toán sẽ bị phạt 2 – 5%. Như vậy, lãi suất được tính “trên trời”, tương ứng 2,5%/ngày, 75%/tháng và 912,5%/năm.
Tại Hà Nội, dịp cuối năm 2020, cơ quan công an đã triệt phá khá nhiều “ổ nhóm” cho vay nặng lãi. Cuối tháng 12/2020, Công an quận Hà Đông đã tạm giữ hình sự nhóm 3 đối tượng để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự. Với vỏ bọc là cơ sở Spa (76 Lê Lai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), nhóm đối tượng đã góp vốn rồi cho vay nặng lãi.
“Ổ nhóm” này quy định người vay tiền mỗi “bát họ” từ 10 - 30 triệu đồng, khi nhận tiền sẽ bị cắt luôn mỗi “bát họ” từ 2 - 6 triệu. Đã có khoảng 500 người là con nợ của các đối tượng với số tiền giao dịch lên đến 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm này còn cho vay lãi ngày với lãi suất “cắt cổ”. Người vay phải trả lãi suất 7.000 - 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương ứng từ 255,5 - 292%/năm.
Mới đây (12/1/2021), Công an quận Long Biên đã tạm giữ hình sự Phạm Thị Linh (SN 1982, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên) và Nguyễn Khánh Thượng (SN 1983, trú tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Linh và Thượng kinh doanh cầm đồ.
Cơ quan công an xác định nhiều cá nhân đang mắc nợ lãi nặng của chủ hiệu cầm đồ này. Lập chuyên án đấu tranh, ngày 7/1/2021, cơ quan chức năng phát hiện trong người đối tượng có 2 tờ giấy liên quan đến vay nợ. Người này được làm rõ là H.T.A (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), A vay lãi ngày của Phạm Thị Linh nên tổ công tác mời nam thanh niên này về trụ sở làm việc.
Căn cứ vào lời khai của A, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên đã tiến hành mời Phạm Thị Linh và chồng là Nguyễn Khánh Thượng về trụ sở để làm rõ sự việc. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ, Linh cùng Thượng mở cửa hàng kinh doanh cầm đồ tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên từ tháng 11/2014, để hoạt động kinh doanh cầm đồ.
Tháng 12/2019, A vay của Linh 25 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày, thanh toán theo kỳ. 15 ngày là 1 kỳ và phải thế chấp tài sản cho Linh để đảm bảo việc vay tiền nên đã yêu cầu A viết giấy bán xe cho Linh. Sau nhiều lần giao dịch, đến ngày 11/11/2020, A tiếp tục vay của Linh 40 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/ngày và thế chấp 1 chiếc xe Honda SH.
Ngoài hành vi trên, Linh còn cho nhiều người khác vay tiền với lãi suất từ 4.000 - 5.000 đồng/ngày, tương đương 146%/năm đến 182,5%/năm. Căn cứ vào những tài liệu ban đầu thu thập được có trong hồ sơ, xác định Phạm Thị Linh và Nguyễn Khánh Thượng có hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
“Mạnh tay” xử lý tín dụng đen
Trước tình trạng tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu và tăng cường phòng ngừa, đấu tranh. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Theo Bộ Công an năm 2020, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan.
Thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến tín dụng đen, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.
Đặc biệt, Bộ Công an sẽ đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự
Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự diễn ra khá phổ biến. Nó làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, việc các địa phương ra quân, lập chuyên án triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi rất cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
“Tín dụng đen trong đời sống cũng như trên không gian mạng đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều gia đình. Nó phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng. Các chiêu trò đòi nợ từ việc đe dọa, đánh đập đến việc khủng bố tinh thần, làm xáo trộn đời sống không chỉ riêng người vay mà bạn bè, người thân gia đình họ cũng bị hứng chịu khiến dư luận rất bức xúc.
Bởi vậy, việc đấu tranh với các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và đòi nợ theo kiểu xã hội đen rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội…” - luật sư Cường nêu quan điểm.