Bộ Công an nêu lý do cần thiết bổ sung quy định về điểm, trừ điểm bằng lái xe
Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung nội dung mới về điểm của giấy phép lái xe, trong đó nêu rõ nếu bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải thi sát hạch.
Điều 57 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.
Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham dự kỳ sát hạch, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe mới cấp đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi cấp đổi, cấp lại, nâng hạng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.
Về căn cứ để bổ sung nội dung mới này vào dự thảo Luật, theo Bộ Công an, vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém…Trung bình hàng năm lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 500 nghìn trường hợp…
Bên cạnh đó, hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi...
Việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng. Theo quy định, hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về TTATGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, từ 2-4 tháng, từ 22-24 tháng. Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp giấy phép lái xe, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.
Hơn nữa việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe gây lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý…
Cũng theo Bộ Công an, điểm, trừ điểm giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên.
Để triển khai quy định trừ điểm giấy phép lái xe, Luật sẽ giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe theo hướng thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm nên sẽ không phát sinh tiêu cực….