Bộ Công an: sẵn sàng các điều kiện để triển khai Luật Căn cước từ 1/7

Đại diện Bộ Công an cho biết đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên...

Chiều 28/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tổ chức hội nghị quán triệt một số nội dung triển khai Luật Căn cước năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và trực tuyến đến điểm cầu công an các địa phương.

Tại hội nghị Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục phó Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã quán triệt, triển khai nội dung luật và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành, nhất là những điểm mới, điểm đáng chú ý, những vấn đề thực tiễn trong quá trình thi hành luật.

Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin, hiện nay, Bộ Công an đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo sẵn sàng thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024.

Hội nghị quán triệt một số nội dung triển khai Luật Căn cước năm 2023 tại Điểm cầu Công an TP Hà Nội.

Hội nghị quán triệt một số nội dung triển khai Luật Căn cước năm 2023 tại Điểm cầu Công an TP Hà Nội.

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Luật Căn cước có 10 điểm mới; Những điểm mới quan trọng của Luật là việc đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước; Mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024...

Từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thì Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Căn cước quy định: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (Khoản 1 Điều 46).

Như vậy, thẻ Căn cước có giá trị tương đương như thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ Căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước.

Theo đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an có đủ nguồn nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu tối đa của người dân khi có yêu cầu được cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ nội dung tầm quan trọng của luật; ý nghĩa của việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực chuyên ngành; những vấn đề cần quan tâm, chú ý trong triển khai thi hành, nhanh chóng đưa luật vào đời sống...

Tại điểm cầu Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều kế hoạch, chương trình mà trọng tâm là những điểm mới trong Luật Căn cước như cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam" trên địa bàn TP Hà Nội; kế hoạch triển khai, chỉ đạo nhằm mục đích tuyên truyên, chuẩn bị các nội dung triển khai Luật Căn cước…

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản trọng tâm hướng dẫn, chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã triển khai Luật Căn cước, khảo sát thông tin sinh trắc học; cập nhật phần mềm cấp Căn cước và triển khai cấp phát thiết bị thu nhận mống mắt; tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Căn cước...

Công an TP Hà Nội đang tiếp tục dự thảo văn bản về Kế hoạch cấp Căn cước cho các trường hợp dưới 14 tuổi đang cư trú trên địa bàn TP Hà Nội; tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn TP Hà Nội...

Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm, đặc biệt, ngày 13/3, Công an TP đã ban hành Kế hoạch số 79 về triển khai các hạng mục thực hiện Luật Căn cước; trong đó, Công an TP đã chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng công dân trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi và từ 6 - 14 tuổi; đồng thời thống kê số lượng cán bộ thực hiện công tác cấp, quản lý CMND, căn cước trong toàn Thành phố. Công an quận, huyện, thị xã đã thực hiện điều tra cơ bản, rà soát cụ thể các trường hợp trong độ tuổi chuẩn bị phục vụ triển khai Luật Căn cước từ ngày 1/7/2024...

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH kết luận: Để thực hiện hiệu quả việc cấp thẻ Căn cước, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Bộ Công an đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, có kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị và chính quyền địa phương... Với kinh nghiệm đã triển khai thành công chiến dịch cấp thẻ Căn cước công dân thì Bộ Công an hoàn toàn chủ động và tin tưởng cũng sẽ triển khai thành công việc cấp thẻ Căn cước.

Hà Nội hiện có 2.069.409 trường hợp trong độ tuổi từ 0-14 tuổi và Công an TP đang cập nhật, bổ sung số định danh của cha/ mẹ/ người đại diện hợp pháp của trẻ dưới 14 tuổi nhằm phục vụ công tác cấp Căn cước cho trẻ dưới 14 theo quy định của Luật Căn cước. Tính đến 8 giờ ngày 27/6, toàn TP Hà Nội đã thực hiện cập nhật, bổ sung đối với 1.391.364/ 1.776.461 trường hợp trên phần mềm DC01 mở rộng; còn phải thực hiện 385.097 trường hợp.

Đạt Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-cong-an-san-sang-cac-dieu-kien-de-trien-khai-luat-can-cuoc-tu-1-7.html