Khi người dân La Gi chung tay bảo vệ môi trường
Để thực hiện chủ đề năm 2023 của Tỉnh ủy (khóa XIV) 'Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp', Ban Thường vụ Thị ủy La Gi ban hành Chỉ thị 32 về phát động cuộc vận động 'Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường'.
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 32, đến nay thị xã đã từng bước chấm dứt, không còn tình trạng xả nước thải, vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định hoặc vứt rác không đúng thời gian thu gom ở từng địa bàn dân cư, góp phần giữ gìn cảnh quan sạch đẹp cho thị xã ngày càng khang trang hơn.
Nhiều kết quả tích cực
Thời gian qua, UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền trên các loa phát thanh các nội dung về “Mô hình phân loại rác tại nguồn”, “Mô hình thu gom rác hẻm”, “Chống rác thải nhựa”. Theo đó, vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thu gom, thải bỏ rác đúng nơi quy định, tập làm quen với tái sử dụng, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Về xử lý rác thải sinh hoạt mỗi ngày, Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ tiếp nhận và xử lý khoảng 75 – 85 tấn/ngày rác thải sinh hoạt của thị xã, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác cũ xã Tân Phước. Đồng thời. nhà máy xử lý rác đã tận dụng rác hữu cơ để làm ra sản phẩm phân vi sinh compost, tận dụng rác thải để sản xuất ra gạch. Hoạt động của nhà máy đã giải quyết được vấn đề xử lý rác thải trên toàn thị xã, đối với chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (khoảng 100 kg/ngày), bệnh viện thị xã xử lý bằng hệ thống khử khuẩn kết hợp cắt nghiền…
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên có sức tác động đến việc triển khai tổ chức thu gom rác thải hẻm tại các phường, xã, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng vứt rác, đốt rác bừa bãi trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư ngày càng ít hơn trước đây, người dân dần hình thành nếp sống văn minh trong ứng xử với rác thải, nhất là khu vực nội thị. Việc thu gom rác ven sông, ven biển được UBND thị xã giao cho Ban Quản lý công trình công cộng định kỳ phối hợp với UBND các phường, xã tiến hành trục vớt, thu gom… Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên của Ban Quản lý công trình công cộng và vẫn đang được duy trì cơ bản có hiệu quả.
Cần thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32 cho thấy nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở đối với công tác bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã từng bước chuyển biến tiến bộ, cơ bản được đảm bảo sạch sẽ mỹ quan; việc triển khai tổ chức thu gom rác hẻm tại các phường, xã từng bước đi vào ổn định; tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư ngày càng cải thiện; việc phối hợp tổ chức các hoạt động môi trường được diễn ra thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị đã mang lại hiệu quả nhất định, vừa góp phần làm sạch môi trường, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thị xã…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 32 vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và người dân tuy được triển khai thường xuyên nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Có nhiều nguyên nhân, trong đó thói quen và ý thức của một số ít hộ gia đình, cơ sở kinh doanh còn kém; tình trạng người dân vứt rác thải ra đường phố, nơi công cộng, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, sông, suối… vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, người dân vẫn còn thói quen chăn nuôi gia súc gia cầm xen kẽ trong khu dân cư, rác sinh hoạt một phần được chôn, đốt, ủ làm phân, phần lớn còn lại đổ ra môi trường, sông, suối... nhất là ở các khu vực nông thôn. Tình trạng lạm dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, hóa chất trong chế biến, bảo quản thực phẩm, nông sản và chăn nuôi vẫn còn phổ biến, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, việc triển khai một số dự án như: Cụm công nghiệp có mùi Tân Bình 1 còn chậm; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung nhưng chưa có cơ sở hạ tầng để yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm di dời vào…
Thời gian tới, các hoạt động bảo vệ môi trường ở thị xã cần tổ chức thường xuyên gắn các phong trào thi đua của các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó tạo thành nếp sống văn minh trong nhân dân đối với việc xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn dân cư…