Bộ Công an sẵn sàng tham gia sâu rộng vào hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc
Bộ Công an từng bước chuyên nghiệp hóa, mở rộng lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Bước đi chiến lược, khẳng định vai trò Việt Nam
Tại Hội nghị giao ban báo chí Trung ương diễn ra hôm nay (20/5), Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang, Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại (A01), Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho biết, Bộ Công an sẵn sàng và quyết tâm tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là một trong những bước đi chiến lược, thể hiện rõ quan điểm đối ngoại đa phương, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc Việt Nam nói chung và Bộ Công an nói riêng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong chính sách đối ngoại toàn diện mà còn góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an trao đổi với các cán bộ trong Tổ công tác số 5 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNMISS (Cộng hòa Nam Sudan) năm 2025. Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là cơ chế đặc biệt do Liên hợp quốc thiết lập, thông qua các phái bộ triển khai tại những khu vực đã có thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình tạm thời, với mục tiêu chấm dứt xung đột và xây dựng nền hòa bình bền vững. Tính đến nay, Liên hợp quốc đã triển khai 71 phái bộ, với hơn 2 triệu nhân viên từ 122 quốc gia thành viên. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia các hoạt động này và đang ngày càng mở rộng vai trò, vị thế của mình.
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan liên tục được hoàn thiện như: Nghị quyết 130/2020/QH14 của Quốc hội, Nghị định 61/2021/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định 07/2025/NĐ-CP bổ sung chế độ, chính sách thu hút lực lượng tham gia, đặc biệt khuyến khích nữ sĩ quan.
Chính phủ cũng đang xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhằm tạo thể chế, hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định và lâu dài.
Lan tỏa hình ảnh, vị thế Việt Nam
Theo Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang, Cục trưởng A01 - Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực hiện các chủ trương lớn, từ năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã cử nhiều tổ công tác làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trung tá Nguyễn Ngọc Hải là sĩ quan đầu tiên của Bộ Công an được cử làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (trụ sở New York, Hoa Kỳ) từ tháng 8 năm 2022 đến nay.
Tính đến tháng 5 năm 2025, Bộ Công an đã cử tổng cộng 5 tổ công tác với hơn 15 sĩ quan, làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS) và khu vực Abyei (UNISFA). Dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Công an tiếp tục triển khai Tổ công tác số 6 gồm 6 sĩ quan tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), đánh dấu bước mở rộng mới về địa bàn và quy mô lực lượng.
Không chỉ tham gia, các sĩ quan của Bộ Công an còn thể hiện năng lực vượt trội và được Liên hợp quốc đánh giá cao. Nhiều người đã được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng như Chánh Văn phòng kiêm Trợ lý đặc biệt cho Tư lệnh Cảnh sát Cục Hoạt động hòa bình, Trưởng Văn phòng Cảnh sát tại địa bàn chiến lược TORIT (Nam Sudan), hay Sát hạch viên quốc tế. Những đóng góp này không chỉ góp phần vào thành công của các phái bộ mà còn lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, trách nhiệm và chuyên nghiệp.
Với mục tiêu tham gia sâu rộng, hiệu quả và bền vững vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Công an đã xây dựng định hướng chiến lược dài hạn từ năm 2026 đến 2035. Trong đó, lực lượng sẽ được duy trì ở cả hai hình thức cá nhân và đơn vị tập thể.

Tổ công tác số 5 lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc UNMISS (Nam Sudan). Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ mở rộng tham gia các hoạt động như quan sát bầu cử, cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ y tế, cứu hộ cứu nạn… trong các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cùng với đó, lực lượng sĩ quan sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế.
"Một mục tiêu lớn đang được Bộ Công an hướng tới là thành lập Trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực về gìn giữ hòa bình theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc. Trung tâm này sẽ không chỉ phục vụ công tác huấn luyện trong nước mà còn hướng tới trở thành trung tâm hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đặt mục tiêu cử sĩ quan ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như tại trụ sở chính Liên hợp quốc, góp phần nâng tầm vai trò của lực lượng công an Việt Nam trong cấu trúc an ninh toàn cầu", Trung tướng Nguyễn Sĩ Quang cho hay.
Tính đến tháng 5 năm 2025, Bộ Công an đã cử tổng cộng 5 tổ công tác với hơn 15 sĩ quan, làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS) và khu vực Abyei (UNISFA). Dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Công an tiếp tục triển khai Tổ công tác số 6 gồm 6 sĩ quan tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA).