Bộ Công an sửa quy định về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp tranh thủ kêu khó
Các quy định về thẩm quyền duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy, kiểm định phương tiện cũng như nguyên tắc không hồi tố đang là các nội dung doanh nghiệp muốn Bộ Công an cân nhắc.
Trong văn bản vừa gửi Bộ Công an góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nội dung góp ý được tổng hợp từ ý kiến của doanh nghiệp hội viên.
Cũng phải nói thêm, trong thời gian vừa qua, VCCI nhận được các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Trong đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP không áp dụng hồi tố, tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ)… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Để góp ý vào các nội dung của Dự thảo, các doanh nghiệp đồng thời gửi đến cơ quan soạn thảo là Bộ Công an những vướng mắc hiện hữu, đang làm khó hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng, đang gặp khó với điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về việc kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiện với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tương ứng.
Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cơ quan nhà nước ủy quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Các tổ chức này nhận thù lao để tiến hành kiểm định cho chủ hàng theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước đề ra, sau đó cấp chứng thư kiểm định và/hoặc dán tem kiểm định. Hàng hóa đã được kiểm định và xác nhận phù hợp với quy định được lưu thông ngay trên thị trường mà không cần xin phép cơ quan nhà nước.
Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định. Đây là cách quản lý tiên tiến và đã được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc về cơ quan Công an (dù là Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hay Công an tỉnh). Điều 38.11.c Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng cho phép các tổ chức tư vấn kiểm định có quyền tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng theo các thông số kỹ thuật của phương tiện.
“Mặc dù vậy, kết quả này chỉ có ý nghĩa là cơ sở để cơ quan công an xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứ kết quả này chưa được coi là căn cứ để hàng hóa được lưu thông”, VCCI giải trình trong văn bản gửi Bộ Công an, khi đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.
Quy định về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng cũng đang là khó khăn nhiều doanh nghiệp gặp phải.
Điều 13.3.b Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các dự án, công trình khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, phạm vi quy định tương đối rộng do chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến việc cải tạo cũng có thể phải xin thẩm duyệt thiết kế. Đây là cơ sở VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.
Các nội dung thay đổi lớn có thể cân nhắc bao gồm thay đổi công năng; ảnh hưởng đến đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; bổ sung vách ngăn, tường ngăn để ngăn chia lại mặt bằng ảnh hưởng đến đường thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, diện tích gian phòng hoặc có thêm hành lang (liên quan đến các khu vực yêu cầu thiết kế hệ thống hút khói); bổ sung, thay đổi vị trí đầu báo cháy, đầu phun có ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của hệ thống hiện hữu (vượt quá số lượng đầu báo cháy tối đa của 1 kênh, số lượng địa chỉ báo cháy tối đa của 1 loop, số lượng đầu phun sprinkler được quản lý bởi 1 van điều khiển…).
Trong trường hợp cụ thể với yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với các cơ sở y tế, mặc dù Dự thảo có sửa đổi, theo hướng nới hơn, song VCCI vẫn cho rằng chưa hợp lý.
Điều 5.1 và Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 3 tầng trở lên hoặc có 1.000 m3 trở lên phải đảm bảo điều kiện, trang bị hệ thống an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Phụ lục và Dự thảo quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 5 tầng hoặc 3.000 m3 trở lên phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
“Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy là rất khó khăn, gây tốn kém nhiều chi phí cho các cơ sở y tế, trong đó có cơ sở y tế tư nhân”, VCCI làm rõ.
Cụ thể, diện tích sàn theo giới hạn khối tích là tương đối thấp, chỉ khoảng 300 m2 sàn sử dụng. Diện tích sàn trên sẽ không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định như có hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, ngoài nhà, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống báo cháy tự động, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn…
“Các cơ sở y tế tư nhân có đặc điểm khác so với các cơ sở kinh doanh khác. Các cơ sở y tế đều đã phải đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu với các hạng mục phòng khám, phòng giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Các diện tích còn lại trong cơ sở y tế là các tiện ích như hành lang (chỗ ngồi chờ khám), khu máy móc kỹ thuật, khu bốc thuốc, căng tin, nhà để xe… đều là các tiện ích phục vụ người bệnh. Diện tích sàn với các khu vực này không làm tăng số người tập trung tại cơ sở do không tăng năng lực khám chữa bệnh (như số lượng bác sĩ, số lượng giường bệnh)”, VCCI làm rõ.
Phương án thay thế, theo VCCI là sửa đổi quy định về giới hạn theo hướng bổ sung tiêu chí về số giường nằm (cơ sở y tế điều trị nội trú), và tăng giới hạn về thể tích và số tầng; cân nhắc sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ sở y tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị làm rõ quy định về nộp hồ sơ trực tuyến, áp dụng quản lý rủi ro và phối hợp về kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bỏ yêu cầu người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy…
Theo VCCI, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém...