Bộ Công an thông tin về tình trạng ma túy trôi dạt trên biển Việt Nam
Bộ Công an khuyến cáo người dân, nếu phát hiện các gói đồ vật nghi là ma túy trôi dạt trên biển, phải kịp thời trình báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi gần nhất và chủ động giao nộp, cung cấp thông tin có liên quan.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp nhận được tin trình báo của người dân về việc phát hiện các gói nghi là ma túy trôi dạt vào bở biển. Đặc biệt, đầu năm 2024, số vụ và số lượng ma túy thu giữ được ngày càng lớn. Cụ thể, ngày 1/4/2024, tại bãi tắm Đồi Dương, La Gi, Bình Thuận, người dân phát hiện một túi xách có 25 gói nhỏ, tổng cộng có khoảng 25 kg ma túy trôi dạt vào bờ. Trước đó, ở Vũng Tàu phát hiện và thu giữ 42 gói, tương ứng với 42 kg ma túy.
Còn tại Tiền Giang, trong 3 ngày 29-31/3/2024, tại khu vực biển Gò Công, người dân đã phát hiện và nhặt tổng cộng 84 gói hình chữ nhật, mỗi gói có trọng lượng khoảng 1kg.
Đầu tháng 01/2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện gần 300kg ma túy cocain trôi dạt vào bờ biển. Trước đó, Đà Nẵng cũng thu giữ 20 gói nilong chứa ma túy.
Những năm trước đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện các vụ việc liên quan đến ma túy trôi dạt trên biển. Điển hình, cuối năm 2019, trên khu vực biển miền Trung, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận 46 bánh heroin và 14,8 kg ma túy tổng hợp đóng trong các can nhựa, thùng nhựa; cuối năm 2020, tại khu vực biển Kiên Giang phát hiện 83 kg ma túy tổng hợp (dạng methamphetamine); cuối năm 2021, tại huyện đảo Phú Quý, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 19,6 kg ma túy tổng hợp dạng đá…
Thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển
Nhận định về việc ma túy trôi dạt trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết, do tác động của tình hình tội phạm ma túy ở quốc tế, khu vực và trong nước; sự đa dạng và thuận lợi của loại hình vận tải biển cùng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã chọn đường biển Việt Nam như một cung đường vận chuyển xuyên quốc gia với tính chất, mức độ ngày càng gia tăng, phức tạp.
Thiếu tướng Quang khẳng định, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biển ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, nhất là trong khâu cất giấu, vận chuyển, giao nhận cũng như cách thức trao đổi thông tin mua bán ma túy, như: Trộn, cất giấu ma túy vào các loại hàng hóa hợp pháp để ngụy trang, vận chuyển ma túy qua nhiều cảng biển, nhiều quốc gia; sử dụng nhiều phương tiện tàu thuyền khác nhau để vận chuyển (tàu cá, tàu chở hàng, tàu cải hoán...).
Gần đây, qua việc bắt giữ, khám xét các tàu cá nước ngoài nghi vấn liên quan đến ma túy cho thấy, các đối tượng, đường dây tội phạm ma túy nước ngoài thường thuê người, đóng hàng, giao dịch qua mạng xã hội, sử dụng tàu đánh cá xa bờ, không cắm cờ quốc tịch, không bật định vị AIS, để vận chuyển, giao nhận ma túy ở các tọa độ thống nhất trước trên biển. Việc giao nhận ma túy được thực hiện vào ban đêm, khi thời tiết xấu.
“Đây có thể đánh giá là thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển, cùng với đó, điều khiển nhiều tàu không chở hàng hóa, không đánh cá để đánh tín hiệu, nếu an toàn sẽ triển khai việc vận chuyển ma túy”- Thiếu tướng Quang nói.
Trước thực trạng trên, Thiếu tướng Quang khẳng định, sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc ma túy trôi dạt trên biển, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chỉ đạo Công an các địa phương có biển phối hợp với lực lượng biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn; phối hợp với các khu phố, thôn, ấp tuyên truyền cho người dân nếu phát hiện vật thể lạ (nghi ma túy) phải báo ngay cho các cơ quan chức năng; đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện các đối tượng vớt được, đang cất dấu các vật thể (nghi ma túy) trôi dạt để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục C04 cũng khuyến cáo người dân nếu phát hiện các gói đồ vật nghi là ma túy trôi dạt trên biển, phải kịp thời trình báo cho các cơ quan chức năng (Công an, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan), chính quyền địa phương nơi gần nhất và chủ động giao nộp, cung cấp thông tin có liên quan. Người dân tuyệt đối không được cất giấu, hoặc sử dụng, bởi đây là hành vi phạm pháp luật.
“Từ các vụ việc ma túy trôi dạt trên biển gần đây khẳng định càng cho thấy đã diễn ra hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy diễn ra trên biển với số lượng lớn. Ma túy trôi dạt cũng có sự khác biệt so với các năm trước, các năm trước chủ yếu là ma túy tổng hợp dạng đá nhưng năm nay là cocaine. Do vậy, có thể nhận thấy tuyến đường biển qua khu vực biển miền Trung và phía Nam là cung đường vận chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm quốc tế”- Thiếu tướng Quang nói.
Thiếu tướng Quang cũng khẳng định, hiện nay, công tác phòng chống tội phạm ma túy trên biển gặp nhiều khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, đặc thù địa bàn, địa hình trên biển rất rộng, hơn 1 triệu km2, diễn biến thời tiết phức tạp, điều kiện địa hình trống trải, rất khó để ngụy trang, tiếp cận các tàu thuyền nghi vấn và triển khai các nội dung công tác nghiệp vụ cơ bản trên biển.
Bên cạnh đó, quân số của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy còn rất mỏng, kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển có mặt còn hạn chế trong khi đó phải quản lý cả vùng biển rộng lớn, phức tạp.
Vận chuyển ma túy trên biển gia tăng
Việt Nam đang khai thác 44 cảng biển nước sâu trải dài trên 3.260 km bờ biển từ Bắc vào Nam trong đó các cảng biển tiềm ẩn nhiều phức tạp về hoạt động buôn lậu hàng hóa, vận chuyển trái phép chất ma túy là: cảng biển Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), cảng Hải Phòng, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cái Mép (Vũng Tàu)…
Thiếu tá Quang khẳng định, qua các vụ bắt giữ ma túy gần đây cho thấy tình hình mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ: heroin, ketamine và ma túy dạng đá từ khu vực Tam giác vàng vận chuyển qua đường bộ vào Việt Nam sau đó được các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), người Lào tập kết tại các kho hàng thuê sẵn, bí mật cất giấu ma túy trong các loại hàng hóa xuất khẩu như hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, máy cẩu từ tính, máy ép bao bì, đá granit... sau đó đóng hàng hóa vào các container xuất đi nước ngoài (Philipines, Đài Loan- Trung Quốc, Hồng Kông- Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc...) bằng đường biển. Cocaine được cất giấu trong các container sắt thép phế liệu, bột cá chế biến thức ăn thủy sản nhập khẩu vào các cảng biển Việt Nam rồi đi nước khác.
Các vụ việc vận chuyển ma túy bằng đường biển trên chủ yếu do các tổ chức tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) câu kết với người Việt Nam, Lào, Philipines mở các công ty bình phong xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam, trong đó người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) điều hành và trực tiếp cất giấu ma túy trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu (ma túy đá được đóng trong các túi trà hiệu Guanyinwang hoặc Daguanyin với khối lượng 1kg/gói, Ketamine được cất giấu trong các trục rulô của máy ép bao bì...) sau đó thuê người Việt Nam, người Lào thực hiện các công đoạn vận chuyển và làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thông thường bằng đường biển đi các nước.
Năm 2023, tuyến đường biển phát hiện 8 vụ, bắt 7 đối tượng, thu giữ 303 kg cocain, 100g heroin, 180 g ma túy tổng hợp. Điển hình, ngày 6/6/2023, C04 phối hợp Tổng cục Hải quan kiểm tra 05 container tại kho hàng Chi cục Hải quan Nam Đình Vũ, thành phố Hải Phòng phát hiện và thu giữ 303 kg cocain, được vận chuyển từ Nam Mỹ, quá cảnh Singapore về Hải Phòng.