Bộ Công an trả lời cử tri liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm thân thể, xâm hại tình dục
Vừa qua, cử tri Tây Ninh đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trẻ em, nhất là trường hợp bạo hành, dâm ô, lợi dụng trẻ em để trục lợi nhằm tăng cường tính răn đe, giáo dục đối với đối tượng phạm tội.
Bộ Công an trả lời như sau: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xác định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ em là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Cụ thể, hình phạt cao nhất đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) là tử hình; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144) là tù chung thân; tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) là 15 năm tù; tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) là 12 năm tù; tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) là 12 năm tù; tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) là tù chung thân...
Như vậy, có thể khẳng định tội phạm xâm hại trẻ em phải chịu các hình phạt nghiêm khắc của Bộ luật Hình sự. Mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào hành vi, tội danh, nhân thân người vi phạm, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ... và theo khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1.10.2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Nghị quyết số 02/2019/NQ- HĐTP ngày 11.1.2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp hành vi xâm hại trẻ em không cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình... Tuy nhiên, chế tài xử lý đối với một số hành vi, nhất là bạo hành, dâm ô trẻ em còn nhẹ, chưa đủ răn đe, phòng ngừa.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 144 ngày 31.12.2021, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, trong đó quy định về xử lý hành vi xâm phạm thân thể, xâm hại tình dục... theo hướng nghiêm minh hơn và phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, Bộ Công an đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, trong đó quy định về xử lý hành vi xâm phạm thân thể, xâm hại tình dục... theo hướng nghiêm minh hơn và phù hợp với thực tiễn.