Bộ Công an xây dựng mô hình tổ chức, bố trí nhân sự để quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia

Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và bố trí nhân sự cho đơn vị cấp Cục thuộc Bộ Công an để quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia. Nhiệm vụ này hoàn thành trong năm 2024.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ, ngành, địa phương là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chủ trì chuyển đổi các hệ thống thông tin từ các bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình triển khai Đề án.

Bên cạnh đó, tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình triển khai Đề án.

3 giai đoạn triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia

Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Để bảo đảm đề án thực hiện được hiệu quả, quá trình thực hiện đề án sẽ được chia thành 3 giai đoạn triển khai cụ thể: Giai đoạn 1 từ năm 2023 đến hết năm 2025 (Giai đoạn xây dựng cơ sở); Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến hết năm 2028 (Giai đoạn mở rộng); Giai đoạn 3 (từ năm 2029 đến hết năm 2030): Giai đoạn phát triển.

Đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia

Đối với các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội: Các hệ thống sử dụng hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm:

- Kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở được đồng bộ từ kho dữ liệu tổng hợp tại vùng chuyên dụng.

- Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Các hệ thống của cơ quan, tổ chức khối Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.

- Các hệ thống của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đối với người dân và doanh nghiệp: Người dân và doanh nghiệp thực hiện cung cấp và khai thác dữ liệu thông tin của mình và dữ liệu trong kho dữ liệu mở tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.

Phạm vi xây dựng hạ tầng nhà trạm Trung tâm dữ liệu quốc gia

- Bộ Công an đầu tư, xây dựng các tòa nhà, hạ tầng dùng chung của các Trung tâm dữ liệu quốc gia với lộ trình xây dựng dự kiến theo từng giai đoạn trong Nghị quyết (mỗi Trung tâm dữ liệu quốc gia bao gồm tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng chuyên dụng, tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng dùng chung, các hạng mục dùng chung như hạ tầng cơ bản, các tòa nhà làm việc, hệ thống điện, đường truyền, các lớp an ninh vật lý).

- Đối với các cơ quan, đơn vị đã có hạ tầng nhà trạm vẫn đang bảo đảm theo tiêu chuẩn (tiêu chuẩn TIA-942 hoặc Uptime Tier-3, Trung tâm dữ liệu hạng III - TCVN 9250:2021) tiếp tục quản trị, vận hành trung tâm dữ liệu do mình xây dựng; tuy nhiên, cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nhà trạm phù hợp với lộ trình chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin của đơn vị về Trung tâm dữ liệu quốc gia và dừng việc bảo trì, nâng cấp hạ tầng nhà trạm trung tâm dữ liệu.

- Đối với các cơ quan, đơn vị có hạ tầng nhà trạm không bảo đảm theo tiêu chuẩn thực hiện duy trì hệ thống và phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư phục vụ duy trì hạ tầng nhà trạm trung tâm dữ liệu phù hợp với lộ trình triển khai các Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp phục vụ vận hành hạ tầng nhà trạm.

- Đối với các cơ quan, đơn vị chưa có hạ tầng nhà trạm (đang đi thuê chỗ đặt hệ thống) thì căn cứ theo đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng phương án đặt hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tiếp tục thuê của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hạn chế tối đa việc xây dựng mới các Trung tâm dữ liệu riêng của từng đơn vị (trừ Trung tâm dữ liệu phục vụ công tác quốc phòng, an ninh).

Phạm vi đầu tư hệ thống, trang thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin

- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện đầu tư toàn bộ hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin của vùng chuyên dụng; đầu tư, triển khai các giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao... của vùng dùng chung (Các cơ quan, đơn vị có thể đầu tư các thiết bị, giải pháp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu quốc gia để tích hợp vào nền tảng điện toán đám mây dùng chung để triển khai hệ thống của mình theo nhu cầu).

- Các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng sử dụng:

+ Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư hệ thống hoặc đã được phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán: Tiếp tục quản trị vận hành, nâng cấp hệ thống theo nhu cầu. Trong quá trình chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp về Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan đánh giá việc đầu tư bảo đảm phù hợp với lộ trình triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp, bảo đảm có thể kế thừa, tận dụng tối đa.

+ Các cơ quan, đơn vị chưa đầu tư hệ thống hoặc đang đi thuê hạ tầng của doanh nghiệp: Căn cứ theo hướng dẫn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia), các cơ quan, đơn vị đầu tư thiết bị, giải pháp và tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng, phát triển hệ thống của đơn vị mình.

- Đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc đối tượng sử dụng: Các cơ quan, đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, mua sắm thiết bị, giải pháp công nghệ hoặc thuê hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.

Phạm vi lưu trữ dữ liệu

- Trung tâm dữ liệu quốc gia lưu trữ dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời lưu trữ dữ liệu thông tin liên quan đến con người từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, dữ liệu khác do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng bộ về theo quy định của pháp luật để xây dựng các kho dữ liệu dùng chung (không bao gồm các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng) nhằm tạo khu vực tin cậy cho các đơn vị khai thác theo chức năng nhiệm vụ.

Từ đó, các đơn vị cũng có thể tra cứu các thông tin khác từ kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở cũng như các kết quả sau khi tổng hợp, phân tích,... do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp để đánh giá, kịp thời đưa ra các chính sách, quyết định phù hợp, chính xác.

- Dữ liệu về con người bao gồm tối thiểu các thành phần:

+ Dữ liệu định danh cá nhân công dân bao gồm dữ liệu từ các loại giấy tờ tùy thân; thông tin cá nhân (địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh); dữ liệu y tế; dữ liệu sinh trắc; dữ liệu ADN; dữ liệu việc làm, dữ liệu học bạ... theo quy định của pháp luật.

+ Dữ liệu được thu thập từ kết quả tổng hợp, phân tích và khai thác dữ liệu của công dân.

- Dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương vẫn được lưu trữ, xử lý tại hệ thống Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương theo yêu cầu riêng, phục vụ các mặt công tác quản lý nhà nước của các đơn vị.

Phạm vi quản lý

- Về dữ liệu:

+ Trung tâm dữ liệu quốc gia quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các dữ liệu thông tin đã được đồng bộ về vùng chuyên dụng và kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở tại vùng dùng chung; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

+ Các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị xã hội tiếp tục thực hiện việc quản lý cơ sở dữ liệu trong hệ thống của đơn vị mình, phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm an ninh an toàn thông tin hệ thống, bảo mật dữ liệu tại đơn vị trong quá trình đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia.

- Về quản trị vận hành hệ thống:

+ Trung tâm dữ liệu quốc gia chịu trách nhiệm quản trị toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của vùng chuyên dụng và các hạng mục dùng chung như hạ tầng cơ bản, các tòa nhà làm việc, hệ thống điện, đường truyền, các lớp an ninh vật lý cho Trung tâm dữ liệu quốc gia; thực hiện công tác vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao... của vùng dùng chung.

+ Các đơn vị tiếp tục quản lý và vận hành, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống đối với các hệ thống chỉ đặt chỗ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

+ Các đơn vị sử dụng tài nguyên của hạ tầng điện toán đám mây do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp thực hiện quản trị từ xa hoặc quản trị tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, đồng thời thống nhất về trách nhiệm quản lý, vận hành các thành phần hệ thống thông tin theo nhu cầu của các đơn vị (mạng, đường truyền, hệ thống bảo mật, máy chủ, phần mềm), ưu tiên các cơ quan, đơn vị tự quản trị, vận hành hệ thống lõi công nghệ thông tin của mình.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-cong-an-xay-dung-mo-hinh-to-chuc-bo-tri-nhan-su-de-quan-ly-va-van-hanh-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-11923103018432685.htm