Bộ Công an yêu cầu cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú
Cơ quan điều tra yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị can ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định.
Ngày 11/11, Bộ Công an phát thông báo yêu cầu 8 người bị truy nã trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan công an gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bộ Công an cho biết nếu tiếp tục bỏ trốn, người liên quan coi như từ bỏ quyền tự bào chữa. Trường hợp các bị can không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.
Đến nay, điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AIC) theo quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng truy nã 7 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc Công ty AIC), Đỗ Văn Sơn (nguyên kế toán trưởng AIC), Nguyễn Thị Sen (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường), Nguyễn Thị Tích (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha), Ngô Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên), Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội) và Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa).
Trong các bị can đã bị khởi tố trước đó, Công ty AIC có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn; 2 cựu phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga và Nguyễn Hồng Sơn; Trương Thị Xuân Loan (trưởng ban 3); Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu, Hoàng Thế Quỳnh (3 nhân viên).
Công ty cổ phần Thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới có ông Tổng giám đốc Nguyễn Công Tiến, chuyên viên Ninh Văn Sinh.
Các bị can tiếp theo là Võ Quang Ngọc (Phó giám đốc Công ty liên doanh TNHH tư vấn y tế Medicosult Việt Nam) và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty Mopha).
Tỉnh Đồng Nai có các bị can Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy); Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh); Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai); Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư); Trịnh Huy Cường (Trưởng phòng Quản lý xây dựng Sở Xây dựng, cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và tư vấn xây dựng tỉnh); Phan Thành An (cựu Trưởng phòng Thẩm định); Nguyễn Thành Thái, Lê Lâm Đồng (2 cựu cán bộ Phòng Thẩm định); Chu Văn Tiến (Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai, cựu Phó giám đốc Trung tâm tư vấn công nghiệp); Nguyễn Thị Nhung (cựu Phó giám đốc phụ trách Trung tâm tư vấn Xây dựng).
Tỉnh Quảng Ninh có các bị can Hoàng Đình Sơn (cựu Phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình y tế thuộc Sở Y tế); Phạm Ngọc Dũng (cựu Chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính); Nguyễn Quý Thịnh (cựu Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Ban quản lý dự án các công trình y tế).