Bộ Công thương 'đau đầu' tìm giải pháp xử lí dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong số các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.
Theo Báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án,doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương gửi Đại biểu Quốc hội, cho thấy: Dự án Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau đó chuyển sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm Chủ đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu là 39,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Dự án khởi công năm 2004 và đến tháng 6 năm 2008 dừng thi công do Chủ đầu tư không huy động được vốn để đầu tư. Đến tháng 6/2009, Dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã 3 lần tổ chức đấu giá nhưng không thành công. Vướng mắc lớn nhất vẫn là không có nhà đầu tư nào quan tâm tham gia đấu giá, trong khi đó, giá đấu giá quá cao càng cản trở quá trình xử lý.
Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh Dự án và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 3.409,93 tỷ đồng, Vinapaco đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào tháng 9 năm 2012. Tháng 4/2010, Vinapco đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào năm 2012. Trong quá trình chạy thử có tải cả hệ thống bị tắc nghẽn ngay từ khâu chặt mảnh cho đến các công đoạn tiếp theo. Từ tháng 5/2014, dự án dừng đầu tư.
Theo báo cáo tài chính của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đến hết năm 2019 vốn chủ sở hữu là 77,43 tỷ đồng, tổng tài sản là 3.091,65 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 3.014,22 tỷ đồng.
Để chỉ đạo việc xử lý các tồn tại, yếu kém của Nhà máy Bột giấy Phương Nam cũng như các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng Ban, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm Phó Trưởng ban Thường trực, Lãnh đạo 16 Bộ, cơ quan làm Thành viên.
Theo Đề án 1468, Phương án xử lý đối với Dự án là khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án.
Năm 2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tổ chức bán đấu giá Dự án lần 1 nhưng không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá (giá khởi điểm được phê duyệt là 1.885.412.000.000 đồng).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại văn bản số 2329/VPCP-KTTH ngày 13/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc “giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất việc xử lý bán đấu giá không thành công tài sản dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ngày 16/5/2018 Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp với đại diện của các Bộ, ngành (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp), Tổng công ty Giấy Việt Nam để thống nhất phương án đề xuất bán đấu giá dự án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có Báo cáo số 161/BC-GVN.HN ngày 08/6/2018 báo cáo Bộ Công Thương và đề xuất phương án tiếp tục triển khai công tác tổ chức bán đấu giá.
Về khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án: Đến thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả của Dự án là 3.055 tỷ đồng, công nợ phải thu là 4,055 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2019 tổng nợ phải trả của Dự án là 3.014,22 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn là 4,055 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp khó khăn, vướng mắc: Vụ kiện của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) liên quan khoản vay của VINAPACO có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 15/01/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 335/BCT-CN báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, và đề xuất Phó Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với VINAPACO phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Cổ phần hóa VINAPACO.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo để thực hiện các bước tiếp theo.
Về hướng giải pháp xử lý trong giai đoạn tới: Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khẩn trương báo cáo toàn diện các vấn đề khó khăn trong việc xử lý, bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Dự án cũng như quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty, trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo xử lý.