Bộ Công Thương đề nghị Chiết Giang (Trung Quốc) tăng cường hợp tác sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy
Nhằm hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang, góp phần vào sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với ông Cao Hưng Phu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Ngày 6/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với ông Cao Hưng Phu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn đại biểu Chiết Giang tới Việt Nam từ ngày 05 - 08/9/2023.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Công Thương có các đại diện của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu. Về phía đoàn đại biểu tỉnh Chiết Giang có đại diện của Ủy ban Tài chính Nhân đại, Văn phòng Ngoại vụ, Viện Quy hoạch phát triển và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Hải Lượng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh vai trò của hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc khi hai bên là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Thứ trưởng cho rằng Trung Quốc là thị trường có nhu cầu cao và đa dạng về nhiều chủng loại hàng hóa, quy mô thị trường địa phương lớn, có những đặc điểm riêng. Vì vậy, Bộ Công Thương rất quan tâm khai thác ưu thế của từng địa phương.
Trong tổng thể hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của tỉnh Chiết Giang - địa phương cửa ngõ quan trọng ở khu vực phía Đông Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Chiết Giang với Việt Nam năm 2022 đạt 20,6 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Chiết Giang cũng là địa phương sản xuất và chế tạo hàng đầu của Trung Quốc với các ngành công nghiệp có thế mạnh như phụ tùng ô tô, xe máy, thiết bị dệt may, cao su, nhựa, hóa chất…
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã đề nghị tỉnh Chiết Giang:
(i) chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, đặc biệt là kinh nghiệm các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam;
(ii) gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam để tối ưu hóa và nâng cao năng lực sản xuất ngành dệt may;
(iii) tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19;
(iv) tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc để hỗ trợ các hoạt động kết nối thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Hưng Phu cho rằng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hợp tác kinh tế thương mại của hai bên đã phát triển nhanh chóng đặc biệt sau khi Việt Nam thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Chiết Giang năm 2018.
Đối với những nội dung Thứ trưởng nêu, ông Cao Hưng Phu đã có những chia sẻ cụ thể
(i) về việc phát triển hệ thống phương tiện công cộng chạy bằng năng lượng sạch, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ chi phí để hỗ trợ phát triển mạng lưới phương tiện chạy bằng điện tại các tỉnh thành và giới thiệu về Tập đoàn BYD - Tập đoàn sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc;
(ii) đối với ngành dệt may của Chiết Giang hiện đang tập trung tại các thành phố Hàng Châu, Thiệu Hưng, Gia Hưng. Chiến lược phát triển của Chiết Giang là tập trung xây dựng lại các doanh nghiệp lớn, ứng dụng kỹ thuật mới đảm bảo tự động hóa và doanh nghiệp hoạt động 24/24 giờ, giảm lượng nhân công sử dụng;
(iii) đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, ông Cao Hưng Phu cho rằng Việt Nam đang có những chính sách rất tốt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm của Chiết Giang trong việc hỗ trợ doanh nghiệp như thành lập các Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xây dựng các công trình nhà ở, trường học bệnh viện để phục vụ cho chuyên gia và công nhân của các nhà máy.
Phó Chủ nhiệm Cao Hưng Phu đề nghị hai bên thành lập Cơ chế hỗ trợ hợp tác công nghiệp để giúp tạo kênh liên lạc nhanh và hiệu quả, trao đổi thông tin nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư cũng như giải quyết các vướng mắc trong quá trình hợp tác đầu tư kinh doanh.
Đồng thời đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài, các quy định pháp luật liên quan và các biện pháp để tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Chiết Giang.
Được sự đồng ý của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương đã trao đổi với đoàn Chiết Giang về các nội dung phía Chiết Giang quan tâm. Đại diện của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và nhấn mạnh Trung Quốc cũng là một nước rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và cho biết Việt Nam có 4 nhân tố tạo nên ưu thế trong thu hút đầu tư bao gồm:
(i) duy trì môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian dài;
(ii) không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ Trung ương đến địa phương;
(iii) tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;
(iv) xây dựng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để kết nối thị trường Việt Nam với thị trường thế giới.
Trong bối cảnh thế giới đang áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với các dự án đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đang tập trung ưu tiên cải thiện thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao và coi đây là giải pháp then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Công nghiệp cũng chia sẻ thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và cho biết đang xây dựng chiến lược liên quan đến ô tô nội địa, dệt may; đại diện của Cục Xúc tiến thương mại đề nghị lãnh đạo hai bên quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở. Hai bên đã trao đổi và đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác cụ thể và biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang, góp phần vào sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Chiết Giang với Việt Nam năm 2022 đạt 20,6 tỷ USD tăng 16,9% so với năm 2021, đứng thứ 4 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam. Trong đó, Chiết Giang xuất khẩu sang Việt Nam 14,5 tỷ USD, tăng 18%; nhập khẩu từ Việt Nam 6,1 tỷ USD, tăng 14,2%.