Bộ Công Thương đề xuất 2 chính sách mua bán điện trực tiếp
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Mục đích xây dựng Nghị định về quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện.
Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.
Trong việc xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất 2 chính sách:
Chính sách: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng
Nội dung của chính sách: Xây dựng quy định mà các bên tham gia việc mua bán điện này phải tuân thủ để triển khai hoạt động mua bán điện như vấn đề về: Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; quy định về đơn vị phát điện, khách hàng lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; hợp đồng giữa Khách hàng và Đơn vị phát điện; trách nhiệm thực hiện.
Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng
- Đối với hoạt động mua bán điện thông qua đường dây riêng kết nối trực tiếp giữa Đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện.
- Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp do hai bên thỏa thuận, bao gồm các nội dung chính quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
- Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
- Trường hợp Đơn vị phát điện là Đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác (nhà máy phát điện tại chỗ; mua điện từ các nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán điện và các văn bản sửa đổi, bổ sung do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chính sách: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia
Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu đang muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đều có cam kết về môi trường, việc quy định các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ chế mua bán điện trực tiếp tham gia thị trường điện đảm bảo việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp trong trường hợp cơ sở của đơn vị phát điện và Khách hàng ở xa nhau, không có kết nối trực tiếp về mặt vật lý, khi đó, đơn vị phát điện sẽ thông qua hệ thống lưới điện quốc gia để truyền tải điện đến cơ sở tiêu thụ của Khách hàng.
Đồng thời, việc ban hành quy định để đảm bảo các bên thực hiện thỏa thuận theo đúng tính chất của cơ chế mua bán điện trực tiếp, tránh các hiện tượng chuyển giá và trục lợi từ cơ chế. Ngoài ra, chính sách này giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình đã được duyệt.
Nội dung của chính sách: Xây dựng quy định mà các bên tham gia việc mua bán điện này phải tuân thủ để triển khai hoạt động mua bán điện như vấn đề về: Giao dịch giữa các đơn vị; mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; mua bán điện và thanh toán giữa Khách hàng và Đơn vị bán lẻ điện; hợp đồng giữa Khách hàng và Đơn vị phát điện; và trách nhiệm thực hiện.
Nguyên tắc của hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia
Đơn vị phát điện
- Sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
- Trong giai đoạn đầu, cho phép Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp;
- Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục mở rộng loại hình công nghệ phát điện khác (thủy điện, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt,…) căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện và tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Khách hàng sử dụng điện lớn
- Tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh, bao gồm: Khách hàng lớn đang mua điện từ Tổng công ty Điện lực và Khách hàng lớn mua điện từ Đơn vị phân phối bán lẻ không phải Tổng công ty Điện lực;
- Trong giai đoạn đầu, cho phép khách hàng sản xuất tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp;
- khác tham gia cơ chế căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện, tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
- Khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định tại Nghị định này khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thống nhất với Đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất về việc chấm dứt hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp;
- Công tơ đo đếm của khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp với Tổng công ty Điện lực đáp ứng các điều kiện kỹ thuật theo quy định;
- Thống nhất Đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phí bán lẻ trong hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (từ công tơ mua điện tổng của đơn vị bán lẻ trong khu công nghiệp đến công tơ bán lẻ điện cho khách hàng).
Bộ Công Thương cho biết, thực hiện đường lối phát triển chiến lược của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, có những bước phát triển vượt bậc sang cơ chế kinh tế thị trường, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời củng cố, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành năng lượng càng lớn mạnh, hệ thống cung ứng năng lượng càng phức tạp, đa dạng, ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt các các vấn đề thách thức về: nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, phải nhập khẩu năng lượng; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ…, vì vậy, cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế đã được triển khai nghiên cứu, phân tích, tính toán và đề xuất các giải pháp hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng, trong đó, các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay.
Để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ và hoàn chỉnh về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.