Bộ Công Thương đề xuất 5 nhóm chính sách nhằm tăng cường quản lý và chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Trước bối cảnh thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và tiềm ẩn nhiều thách thức trong công tác quản lý, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 nhóm chính sách lớn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo thu thuế hiệu quả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định chính sách Luật Thương mại điện tử.

Tại cuộc họp, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách mới nhằm mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch, ổn định, khả thi và thống nhất. Đồng thời, chính sách này cũng hướng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Từ thực tiễn triển khai và đánh giá toàn diện, Bộ Công Thương đề xuất 5 nhóm chính sách trọng tâm.

Chính sách đầu tiên tập trung xử lý khoảng trống pháp lý liên quan đến khái niệm, định nghĩa trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi pháp luật và tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định của thị trường.

Chính sách thứ hai nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hoạt động thương mại điện tử – đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là cơ sở để kiểm soát các mô hình kinh doanh mới phát sinh như bán hàng qua mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới, mua sắm qua livestream với sự tham gia của người nổi tiếng, và các ngành hàng kinh doanh có điều kiện.

Chính sách 2 quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: MOJ

Chính sách 2 quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: MOJ

Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ và mô hình kinh doanh mới, pháp luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế trong việc thích ứng và điều chỉnh kịp thời. Chính sách thứ ba hướng tới việc nâng cao năng lực thích ứng của pháp luật, tăng cường hậu kiểm và giám sát nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh số.

Chính sách thứ tư quy định cụ thể trách nhiệm của người bán, nền tảng trung gian, quyền khiếu nại và phương thức giải quyết tranh chấp sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm trực tuyến, đồng thời hạn chế các hành vi gian lận, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Chính sách cuối cùng nhằm thúc đẩy thương mại điện tử trở thành kênh xuất khẩu hiệu quả, thông qua các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong nước.

Tại hội đồng thẩm định, nhiều ý kiến chuyên gia đã đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách. Ông Phạm Đình Thưởng (Hiệp hội Thương mại điện tử) nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý hoạt động kinh doanh cá nhân trên mạng xã hội, hoạt động bán hàng livestream, và đề xuất bổ sung quy định đối với quảng cáo và hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, những yếu tố đang bị buông lỏng.

Ông Phạm Văn Hùng (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng kiến nghị cần thiết kế lại một số chính sách nhằm tránh chồng chéo pháp luật, bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính và tăng cường cơ chế hậu kiểm.

Ông Nguyễn Nam Tuấn Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ) đánh giá cao chất lượng dự thảo và hồ sơ do Bộ Công Thương xây dựng; đồng thời khẳng định tính cần thiết của việc ban hành chính sách trong bối cảnh thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng và đề nghị bổ sung các quy định về phân cấp, phân quyền rõ ràng.

Với những định hướng chính sách được đề xuất, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thương mại điện tử, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong môi trường số đầy tiềm năng và cạnh tranh.

5 nhóm chính sách gồm:

Chính sách 1 là xử lý khoảng trống về các khái niệm trong quy định của pháp luật hiện hành.

Chính sách 2 quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động thương mại điện tử

Chính sách 3 là thể chế hóa và khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Chính sách 4 là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng và chứng thực hợp đồng điện tử.

Chính sách 5 là khuyến khích thương mại điện tử phát triển bền vững.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-5-nhom-chinh-sach-nham-tang-cuong-quan-ly-va-chong-that-thu-thue-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-317647.html