Bộ Công Thương đề xuất 7 hành vi lực lượng Quản lý thị trường tuyệt đối không được làm
Cán bộ quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân được kiểm tra...
Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Thông tư quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Theo dự thảo, hoạt động kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính phải có căn cứ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường và theo quy định của pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử, không làm cản trở hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
Dự thảo nêu rõ, các hành vi bị cấm gồm:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; dung túng, bao che hoặc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra khi thực hiện hoạt động kiểm tra, biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính.
2. Thực hiện hoạt động kiểm tra, biện pháp nghiệp vụ, xử lý vi phạm hành chính không đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đối tượng, nội dung, lĩnh vực, địa bàn được giao; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
3. Cố ý không ra quyết định kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật.
4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung kiểm tra trong quá trình kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoặc chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung kiểm tra.
5. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, thực hiện biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính.
6. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù người làm nhiệm vụ kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường.
7. Các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo nêu rõ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường không được chia, tách một vụ việc vi phạm hành chính để xử phạt hành chính cho phù hợp với thẩm quyền của mình.
Thông tư này áp dụng với các cơ quan, đơn vị, công chức Quản lý thị trường; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các biện pháp nghiệp vụ và hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.