Bộ Công Thương: Đề xuất hướng đền bù, hỗ trợ phạm vi 300 m từ công trình điện gió

Chiều 23/5, tại phiên thảo luận ở Hội trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất hướng đền bù, hỗ trợ phạm vi 300 m từ công trình điện gió.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Siu Hương - đoàn Gia Lai đã đề cập đến kiến nghị của cử tri về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió.

Chiều 23/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường

Chiều 23/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường

Trả lời ý kiến của cử tri Gia Lai đối với việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300 m từ công trình điện gió và trong hành lang an toàn công trình điện gió, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sở dĩ có tình trạng này là do hành lang an toàn điện gió chưa có quy định cụ thể trong Luật Đất đai. Luật Đất đai chỉ có quy định công trình công cộng, công trình quốc phòng an ninh, còn những công trình nằm trong phạm vi của cột điện gió thuộc đối tượng chủ đầu tư tự thỏa thuận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời vấn đề đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời vấn đề đại biểu nêu

Bên cạnh đó, khái niệm khu dân cư được quy định tại Điều 2, khoản 2 của Nghị định số 14 năm 2014, thì nay cũng đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Nghị định 51 cho nên chưa thật rõ khái niệm về khu dân cư cũng như các công trình vượt kiến trúc trong khu vực này.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa quan tâm và chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, khoản 2 Điều 13 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương quy định: "Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người dân sinh sống”.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 4 Luật Xây dựng có quy định, khi đầu tư công trình bảo đảm đầu tư xây dựng công trình … phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân.

Cũng theo quy định tại khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng quy định, đảm bảo không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai quy định, đảm bảo nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

Bộ Công Thương đề xuất hướng giải quyết

Về hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như sau: Thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2126/TB-TTKQH ngày 22/10/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2824/VPCP-QHĐP ngày 24/4/2023 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung vướng mắc về đền bù, hỗ trợ liên quan đến dự án điện gió.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên họp toàn thể chiều 23/5

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên họp toàn thể chiều 23/5

Cụ thể như sau: “Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn (ngoài các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành). Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

"Sau khi Luật Đất đai 2023 có hiệu lực thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Đặc biệt, trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực, Bộ Công Thương sẽ cố gắng thiết kế nội dung này trong Luật Điện lực sửa đổi"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Quy hoạch ngành cấp tỉnh phải phù hợp quy hoạch ngành, Quốc gia

Liên quan đến vấn đề đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng nêu về chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời cụ thể: Các khu vực chồng lấn liên quan quy hoạch bô-xít trước kia, nay là quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản, hiện vấn đề quy hoạch và Kế hoạch thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương đã kịp thời tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và đã triển khai tới tất cả các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch cấp tỉnh phải phù hợp Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia. Vì vậy, trường hợp các quy hoạch của tỉnh mâu thuẫn bao gồm cả việc chồng lấn quy hoạch với quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia thì cần phải được rà soát, điều chỉnh theo quy định tại Nghị quyết 61/2022 của Quốc hội.

Đối với dự án đã được cấp chủ trương đầu tư thì trong quá trình thực hiện có vướng mắc, trong đó có vấn đề chồng lấn diện tích sử dụng đất, đề nghị các địa phương rà soát kỹ, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp cũng như xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền địa phương, nếu ngoài thẩm quyền báo cáo Chính phủ.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-huong-den-bu-ho-tro-pham-vi-300-m-tu-cong-trinh-dien-gio-321892.html