Bộ Công Thương đề xuất quy định mới quản hàng triệu người bán hàng online
Bộ Công Thương vừa đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch. Người bán phải cung cấp tên, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.
Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến việc khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán.
"Kiểm soát người bán trên các nền tảng TMĐT vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước", Bộ Công Thương thừa nhận thực tế.
Đặc biệt, với người bán ở nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, dẫn đến thất thu ngân sách và khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu qua kênh TMĐT khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho người tiêu dùng. Trong trường hợp các nền tảng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì cũng chưa có cơ chế, cơ sở pháp lý để ngăn chặn hay yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ TMĐT như logistics, thanh toán... ngưng hợp tác.
Cùng với đó, hiện tượng người bán nước ngoài bán trên các nền tảng số TMĐT chưa được xác thực dẫn tới việc khách hàng mua hàng mà không biết người bán là ai, được bảo vệ như nào… đồng thời nếu đổi trả hàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm liên quan.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng, dẫn tới khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm khi chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán.
Vì vậy, công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến đang gặp khó khăn vì thiếu minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác. Thậm chí trong đơn hàng nhận được cũng không có thông tin về người bán. Đồng thời, cơ chế giải quyết tranh chấp trên môi trường trực tuyến chưa hiệu quả, khiến người tiêu dùng ít được bảo vệ khi quyền, lợi ích bị xâm phạm.
Trong nhiều trường hợp, người mua hàng và người bán không giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giao dịch nhưng lại không có cách nào để liên hệ với chủ quản nền tảng số trung gian để khiếu nại hoặc không có công cụ để thực hiện khiếu nại trực tuyến hoặc trực tiếp do các nền tảng này ít công khai thông tin cụ thể mà thường sử dụng số tổng đài, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cho rằng cần thiết tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Vì vậy, trong dự thảo luật đã đưa ra thêm các biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Theo dự thảo Tờ trình, với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.
Còn với người bán trên nền tảng số trung gian TMĐT phải thực hiện định danh theo quy định về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hoạt động TMĐT biên giới phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù Nghị định 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, nhưng các quy định này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả.
Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý chính thức.
Hơn nữa, các quy định pháp lý đối với TMĐT xuyên biên giới hiện tại nhìn chung còn "nhẹ nhàng" hơn so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.