Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ

Sau một thời gian xem xét đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng của Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh và ý kiến các doanh nghiệp liên quan, Bộ Công Thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Trung Quốc.

Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh thông tin do các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, cơ quan điều tra nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất thép mạ và ống thép đang sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu.

Đối với các ý kiến này, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng trong quá trình điều tra vụ việc trên cơ sở các dữ liệu được thu thập và xác minh và sẽ được phản ánh trong kết luận điều tra.

Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 3 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6/2024.

Trong các bước tiếp theo, theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá mức độ bán phá giá; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Cục Phòng vệ thương mại khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác theo yêu cầu để bảo đảm quyền lợi của mình.

Cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.

Tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép cán nóng chờ hồi kết

Sự việc bắt đầu từ ngày 19/3/2024, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc từ Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.

Trong đơn, 2 doanh nghiệp này chỉ ra việc nhập khẩu ồ ạt thép cán nóng tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu.

Thị phần bán thép cán nóng Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023, không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh thiếu công bằng với sản phẩm bán phá giá gây “thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước”.

Từ thời điểm Hòa Phát và Formosa nộp đơn khởi kiện, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép TVP, Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Bình Dương, Công ty TNHH sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Công ty cổ phần Thép Việt Thành Long An đã nhiều lần có văn bản nêu ý kiến phản đối.

Các doanh nghiệp này cho rằng Hòa Phát và Formosa không đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước để đứng đơn khởi kiện và “tố” các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước luôn bán sản phẩm cao hơn mức giá nhập khẩu Trung Quốc và mức giá trung bình từ 10-90 USD/tấn.

Các sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc trong diện điều tra, được phân loại theo các mã HS là: 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 7211.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7224.30.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90, 7226.99.19, 7226.99.99 (mã vụ việc AD20).

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-cong-thuong-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-can-nong-nhap-tu-trung-quoc-an-do-post176895.html