Bộ Công Thương: Dịp tết, mọi thứ đều tăng giá, chỉ có cây cảnh giảm mạnh
Trong khi hầu hết các sản phẩm tiêu dùng ngày Tết đều tăng giá, duy có mặt hàng cây cảnh, như đào, mai, quất,... có xu hướng giảm.
Giá cả hàng hóa dịp Tết nguyên đán vừa qua chỉ tăng nhẹ. (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương về tình hình giá cả thị trường trong những ngày Tết vừa qua, Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng do đã có kế hoạch từ trước nên tình hình cung - cầu lương thực trong nước được bảo đảm, không xảy ra tình trạng “găm hàng tăng giá” hoặc mất cân đối cung cầu.
Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng trong ngày Tết đều tăng giá, nhưng mức tăng không vượt quá 10%.
Cụ thể, một số loại gạo tẻ chất lượng cao, như Tám Điện Biên, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công,... có giá bán khoảng 20.000 - 32.000 đồng/kg, tăng 5% - 10% so với ngày thường và tương đương so với năm ngoái. Trong khi đó, giá gạo nếp dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 5% - 7% so với ngày thường.
Đặc biệt, năm nay, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm nhẹ, người dân có xu hướng tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao trong nước.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (âm lịch), mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, thủy hải sản,... bắt đầu có xu hướng tăng giá, song mức tăng vẫn ở dưới 10% so với ngày thường.
Cụ thể, giá thịt gà tăng cục bộ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg vào chiều 30 Tết. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, đã có một số siêu thị mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết.
Trong khi đó, giá thịt lợn chỉ tăng mạnh đến nửa tháng trước Tết. Đơn cử, lợn hơi có giá 75.000 - 81.000 đồng/kg, mông sấn có giá 130.000 - 150.000 đồng/kg;...
So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3 - 5% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5-7%.
Năm nay, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm, phố biển ở ngưỡng 280.000 - 350.000 đồng/kg (thịt bò thăn).
Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ.
Thời điểm gần Tết, giá các loại su hào, cải bắp, cà chua, súp lơ tại các tỉnh phía Bắc giảm giá mạnh do nguồn cung dồi dào, người nông dân thu hoạch để lấy đất cho việc cấy lúa vụ Đông Xuân.
Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi diễn, cam canh, cam sành…
Với thực phẩm chế biến, như bánh, mứt, kẹo, giò chả... nguồn cung tương đối dồi dào, đa dạng. Giá bán các mặt hàng này có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ 5% so với năm trước.
Trong khi hầu hết các sản phẩm tiêu dùng ngày Tết đều tăng giá, duy có mặt hàng cây cảnh, như đào, mai, quất,... có xu hướng giảm.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm.
Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 10-15%. Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm.
Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5-10% với cùng kỳ năm trước.