Bộ Công Thương giải quyết và trả lời 100% kiến nghị của cử tri
Ngày 21/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: các Bộ, ngành, cơ quan rất nghiêm túc, tích cực giải quyết, trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh, trong đó, Bộ Công Thương là một trong những bộ đã giải quyết và trả lời đúng thời gian quy định
Cụ thể, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị và qua phân loại, tổng hợp còn 2.224 kiến nghị, đến nay 2.211 kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời (đạt 99,42%).
Phân loại các nhóm kiến nghị, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, có 51 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,29% tổng số kiến nghị) và đã được trả lời đầy đủ; Có 2.127 kiến nghị về công tác điều hành của Chính phủ (chiếm 95,64% tổng số KN), trong đó đã giải quyết, trả lời 2.115 KN, đạt 99,44%, gồm: 1.755 kiến nghị đã được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri và 113 kiến nghị được tiếp thu giải quyết xong (đạt 88,32%). Tuy nhiên, vẫn còn 247 kiến nghị (chiếm 11,68%) đang trong quá trình giải quyết do cần thêm thời gian tổng kết thực tiễn, bố trí kinh phí triển khai, và hiện đã có 212 kiến nghị đã báo cáo cử tri về thời hạn dự kiến giải quyết xong.
“Cử tri đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân” – Bà Hải nói và cho biết, các Nghị quyết của Quốc hội cũng đã được được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện, tạo lòng tin của người dân với công tác điều hành của Chính phủ.
Đặc biệt, việc triển khai Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua Cổng thông tin điện tử, đã trực tiếp tiếp nhận 2.410 kiến nghị giao các Bộ, ngành giải quyết. Cùng đó, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực đã trực tiếp tháo gỡ nhiều khó khăn, cho người dân, doanh nghiệp, nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm.
Đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành, Trưởng ban Dân nguyện chỉ rõ, các Bộ, ngành, cơ quan đều rất nghiêm túc, tích cực giải quyết trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh. Hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, hai Bộ Công Thương (đã giải quyết và trả lời đúng thời hạn 95/95 kiến nghị) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đã giải quyết và trả lời đúng thời hạn 147/147 kiến nghị) đi đầu trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Ngoài ra, nhiều Bộ được một số Đoàn Đại biểu Quốc hội đánh giá cao, như: Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Tài chính,...
Cùng đó, công tác tiếp công dân cũng đã có những chuyển biến tích cực, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tiếp công dân, từng bước khắc phục tình trạng tiếp dân không đủ thời gian quy định, ủy quyền tiếp thay,…
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các địa phương tổ chức 1.640 cuộc thanh tra trách nhiệm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 628 cá nhân, nêu đích danh một số lãnh đạo sở, ngành không tiếp dân, qua đó tình hình tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến. Đã xuất hiện một số mô hình tương tác với người dân linh hoạt hiệu quả trên Zalo, như: dịch vụ “chat” giữa người dân và chính quyền tại Bắc Giang hay Sở Xây dựng Tây Ninh đối thoại với dân về cấp phép xây dựng hoặc Mô hình hội quán nông dân ở Đồng Tháp,...
Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số văn bản trả lời cử tri còn chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Hạn chế nữa được nêu ra là một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật và một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.