Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Tại dự thảo mới đây, Bộ Công Thương giữ quan điểm doanh nghiệp tự tính giá xăng dầu theo các yếu tố Nhà nước công bố.

Tại hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4 là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp đầu mối và phân phối kinh doanh xăng dầu tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Trong đó, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định, bao gồm tỉ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu. Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu.

Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Khác bản thảo đưa ra trước đây, lần này, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800 - 2.000 đồng một lít hoặc 4 - 20%).

Thay vào đó, nhà chức trách sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Sau đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn lợi nhuận định mức vẫn cố định ở 300 đồng một lít, kg xăng dầu.

Các khoản chi phí khác như vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần, trước ngày 20 của tháng thứ 3, trừ khi biến động bất thường cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cho rằng với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo…

"Đây là cải cách giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí kinh doanh định mức như hiện nay. Doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc công bố giá của các doanh nghiệp", Bộ Công Thương nêu rõ.

Ngoài ra, điểm mới của dự thảo lần 3 là không quy định riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, mà hướng tới quy định bình ổn giá xăng dầu tương tự như bình ổn giá các mặt hàng khác thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Việc bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định của Luật giá 2023: Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.

vtv.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bo-cong-thuong-giu-de-xuat-doanh-nghiep-tu-quyet-gia-xang-dau-post386921.html