Bộ Công Thương: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp bứt phá về năng suất chất lượng
Với 'Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp', Bộ Công Thương đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến, hiện đại… đem lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp.
Lan tỏa hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng
Nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì, Công ty TNHH Tuv Nord Việt Nam đã triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thí điểm hệ thống đo lường và phân tích dữ liệu tiêu thụ điện (PMSA) tại doanh nghiệp ngành Công Thương”.
Được triển khai từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, đề tài đã xây dựng được phần mềm quản lý năng lượng có khả năng cập nhật dữ liệu tức thời, phân tích dữ liệu theo nhiều quãng thời gian, cảnh báo theo ngưỡng tùy chỉnh; xây dựng phương án kỹ thuật, lắp đặt phần cứng và đào tạo sử dụng hệ thống quản lý năng lượng tại 4 doanh nghiệp thí điểm gồm: Công ty TNHH Đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội, Công ty TNHH Seikico Việt Nam.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, đại diện Công ty TNHH Seikico Việt Nam cho biết: Sau khi hệ thống PMSA được áp dụng tại doanh nghiệp, việc kiểm soát điện năng tiêu thụ, truy xuất báo cáo được thực hiện một cách dễ dàng và chính xác hơn. Mục tiêu đề ra sau khi sử dụng hệ thống PMSA, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 5-7% điện năng sử dụng trong 1 năm nhờ kiểm soát tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, thấp điểm. Dự kiến trong năm 2021, Seikico sẽ mở rộng hệ thống PMSA tại các nhà máy mới.
Công ty Seikico còn tham gia chương trình hỗ trợ triển khai áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) của Bộ Công Thương. Nằm trong khuôn khổ chương trình, công ty đã khởi động các nhóm cải tiến trọng điểm nhằm giảm chi phí và nâng cao năng suất sản xuất đối với sản phẩm mỏ kẹp - một trong những sản phẩm truyền thống của công ty.
Đề tài “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho các doanh nghiệp ngành nhựa” do trường Đại học Điện lực chủ trì cũng là một trong những nhiệm vụ tiêu biểu của dự án. Đề tài đã đề ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý kho của ngành nhựa theo hướng tối ưu hóa quy trình và cách sắp xếp không gian, đồng thời áp dụng các công cụ số hóa để tạo điều kiện đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong tương lai. Quá trình nghiên cứu bao gồm việc thí điểm đối với 1 kho hàng của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
TS. Dương Trung Kiên, chủ nhiệm đề tài cho hay: Triển khai từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, đề tài đã đề xuất giải pháp cải thiện công tác quản lý kho thí điểm và xây dựng phần mềm chuyên biệt cho nghiệp vụ quản lý kho, đạt các kết quả cụ thể gồm: Cải tiến layout, hệ thống trực quan của kho thí điểm, thực hiện quản lý kho theo nguyên tắc first-in first-out, từ đó nâng cao dung lượng lưu trữ hàng hóa trong kho, giảm thời gian trung bình cho mỗi đơn hàng nhập - xuất.
Đồng thời, loại bỏ các quy trình thủ công, lãng phí, tăng tính chính xác, minh bạch; loại bỏ vấn đề trễ số liệu do đã đồng bộ được dữ liệu ngay khi phát sinh đơn hàng nhập hoặc xuất kho; số hóa nghiệp vụ quản lý kho, tạo điều kiện kết nối công tác và dữ liệu quản lý kho với các nghiệp vụ kinh doanh khác đã được số hóa trong doanh nghiệp.
Tham gia Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp, doanh nghiệp còn được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế như: ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000 và hệ thống công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma… Trong năm 2019 - 2020, Bộ Công Thương triển khai 278 mô hình/doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số hệ thống quản trị, quản lý, giao mới.
Tiêu biểu như Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương đã lựa chọn áp dụng ISO 9001 và mô hình 5S để nâng cao năng suất chất lượng. Qua áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, lãnh đạo công ty nhận thấy, doanh nghiệp mình đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ nhà xưởng, nơi sản xuất còn chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì đến nay, việc sắp xếp các khu làm việc đã được sạch, đẹp hơn; khách hàng cũng đánh giá cao doanh nghiệp, dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực dệt may, một số doanh nghiệp đã tích hợp thành công cả 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000 như Công ty May Đức Giang, Công ty May Hưng Yên...
Doanh nghiệp đánh giá cao hoạt động hỗ trợ
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 604/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, giao Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động của dự án.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của Dự án đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.
Dự án đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. 95% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì cải tiến sau khi kết thúc dự án, trong đó 23,4% mô hình được mở rộng và tiếp tục duy trì.
Các hoạt động của dự án đã gắn kết, tác động lan tỏa tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại doanh nghiệp. Các mô hình điểm đã trở thành ví dụ trực quan, có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại doanh nghiệp và góp phần đưa phong trào cải tiến năng suất chất lượng tới nhiều doanh nghiệp và cơ quan tổ chức. Phần lớn doanh nghiệp điểm thể hiện nhu cầu nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn 5 năm tới với tỷ lệ cao hơn ở tất cả các nhóm giải pháp so với các doanh nghiệp nói chung.
Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư đổi mới công nghệ, chiếm khoảng 96,6%, tiếp theo đến việc áp dụng các mô hình, phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý (93,7%), đào tạo nguồn nhân lực (91%), công cụ cải tiến năng suất (90,5%), hệ thống quản lý chất lượng (80,4%). Đặc biệt, 91% các doanh nghiệp điểm có nhu cầu tiếp tục được hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương khẳng định: Một trong những mục tiêu chính của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai dự án Bộ Công Thương là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như nâng cao sức cạnh tranh, bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế hay các công cụ cải tiến hiện đại.
“Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 500 mô hình điểm và các mô hình này đều là các điểm sáng trong các phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp và đã từng bước lan rộng ra các phân xưởng, nhà máy cũng như các doanh nghiệp khác. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có được sự lan tỏa từ các kết quả của chương trình của Bộ Công Thương đối với hoạt động của doanh nghiệp trong ngành” - đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ thông tin.
Trong năm 2021, một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương là tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành và triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Thông qua đó, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu.