Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu
Ngày 23/2, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội thảo 'Sẵn sàng xuất khẩu' nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng và năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Bối cảnh quốc tế đã và đang tạo những rào cản lớn cho Việt Nam duy trì tăng trưởng tốc độ cao, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô năm 2023. Điều này đòi hỏi nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời hơn nữa giúp doanh nghiệp và cả nền kinh tế vượt qua thách thức, phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, riêng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được phê duyệt với những hoạt động hỗ trợ quảng bá hàng hóa sản xuất trong nước, chương trình đào tạo tập huấn, truyền thông liên quan đến ngành hàng. “Từ tháng 7/2022 đến nay, công tác giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hàng tháng đã cung cấp thông tin chính sách, quy định mới tại các thị trường và đưa ra khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp”, ông Vũ Bá Phú nói.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho hay: Nằm trong loạt kế hoạch giải pháp của Bộ Công Thương, Hội thảo “Sẵn sàng xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), đơn vị liên kết của tổ chức Liên Hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phối hợp tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nữ làm chủ nói riêng và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung vươn ra thị trường thế giới.
Thông qua Hội thảo, doanh nghiệp được hướng dẫn xây dựng chiến lược xuất khẩu, tìm hiểu các vấn đề pháp lý, công cụ kỹ thuật số để tiếp cận thị trường mới; tạo kênh liên kết giữa Dự án Shetrade với các đối tác tư nhân, doanh nghiệp nữ làm chủ và các tổ chức hỗ trợ thương mại; hướng dẫn và giới thiệu định hướng về sản phẩm, thị trường và các vấn đề bình đẳng giới nhằm tăng cường dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp.
Trao đổi bên lề hội thảo, bà Kritee Sharrma- Điều phối viên Dự án SheTrades - UPS Việt Nam, ITC, bày tỏ: Sau 3 năm dự án hoạt động tại Việt Nam chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ có khả năng chống chịu kém với các cú sốc và khủng hoảng từ bên ngoài. Do đó, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận và tập trung vào 3 mục tiêu chính.
Đầu tiên, hỗ trợ cho doanh nhân nữ tiếp cận với xu hướng chuyển đổi số, thông qua các nền tảng thương mại điện tử để tăng doanh thu. Thứ hai, cung cấp các khóa đào tạo về cách tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, dự án cũng làm việc với các định chế tài chính giúp họ hiểu và xây dựng cơ chế tài chính riêng cho doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo cho nữ giới về các công cụ và áp dụng chuyển đổi số.
“Sau 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật cho 930 nữ doanh nhân, huấn luyện 1-1 cho 80 nữ doanh nhân trong các lĩnh vực kết nối tài chính, thương mại điện tử và hoạt động nâng cao năng lực khác”, bà Kritee Sharrma nhấn mạnh.
Đại diện Dự án SheTrades cũng thông tin: Trong thời gian tới, dự án tập trung hỗ trợ các phụ nữ trẻ bởi đây sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai và cần được đào tạo kỹ năng cơ bản để trở thành doanh nhân. Đưa ra những định hướng để nhà hoạch định chính sách xây dựng các biện pháp hỗ trợ tốt hơn.
Hoạt động thiết thực của Dự án SheTrades đã được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ của Việt Nam tích cực hưởng ứng. Bà Nguyễn Thu Hiền- Đại diện Công ty Cổ phần Gia đình Mimi đánh giá cao tính thiết thực các hoạt động của dự án. Bà cũng đồng thời chia sẻ: Doanh nhân nữ rất cần được cập nhật thông tin, nâng cao năng lực về kỹ năng xúc tiến thương mại hiệu quả, xây dựng chiến lược xuất khẩu, tìm hiểu quy định pháp lý để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Tham gia sự kiện với mong muốn đưa hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bà Đào Thị Lương- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn- Du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh, bày tỏ: Hợp tác xã có thể tự tin với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tuy nhiên sự hiểu biết về hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. “Chúng tôi mong muốn được dự án, Cục Xúc tiến thương mại hướng dẫn cụ thể hơn để có thể đưa được sản phẩm ra thị trường nước ngoài”, bà Đào Thị Lương mong muốn.
Đến hết năm 2025, Dự án Shetrade và Công ty UPS Việt Nam kỳ vọng có ít nhất 2.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và chuyển đổi số thành công; huấn luyện và tư vấn khả năng tiếp cận thị trường, tạo cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp theo chương trình mà hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; củng cố và xây dựng năng lực cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và đầu tư để cung cấp hiệu quả