Bộ Công thương họp gấp cùng doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), phía Trung Quốc tiếp tục lùi thời hạn thông quan, hàng nông sản ùn ứ có nguy cơ phải 'quay đầu' tiêu thụ trong nước. Trước tình hình đó, chiều 11-2, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp gấp với các địa phương và đại diện một số doanh nghiệp cung ứng nhằm tìm giải pháp đối phó tình trạng trên.

Quang cảnh buổi ký cam kết tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với đại diện Sở Công thương các tỉnh trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Công thương.

Quang cảnh buổi ký cam kết tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với đại diện Sở Công thương các tỉnh trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Công thương.

Phát biểu tại cuộc họp ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, dịch nCoV gây ảnh hưởng lớn tới tiêu thụ nông sản, bởi phần lớn nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang khoảng 11 nghìn tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn…

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, hiện tại, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn khá lớn (khoảng 85 nghìn tấn chuối cấy mô và 59 nghìn tấn xoài) nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện đóng giao dịch cửa khẩu biên giới, các sản phẩm nông sản của tỉnh sắp vào mùa vụ như chôm chôm, sầu riêng, mít,… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, ngoài các công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện, Sở Công thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối tỉnh Đồng Nai với các đơn vị tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản của mình.”, bà Lan nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì cuộc họp với các địa phương và doanh nghiệp chiều 11-2.

Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì cuộc họp với các địa phương và doanh nghiệp chiều 11-2.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ ngay lập tức, mà phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài.

“Thí dụ như đối với quả vải, chúng ta phải tính trước, vì không chỉ ở Bắc Giang, còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên,… Nếu như đến thời điểm đó, dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta vẫn phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Ngay tai buổi họp, đại diện một số doanh nghiệp siêu thị, cung ứng như Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), MM Mega Market,… thực hiện nghi thức ký cam kết tiêu thụ nông sản với đại diện Sở Công thương các tỉnh trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Công thương.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43227402-bo-cong-thuong-hop-gap-cung-doanh-nghiep-ho-tro-tieu-thu-nong-san.html