Bộ Công Thương khẳng định đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu từ giữa tháng 7/2023
Theo Thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7/2023.
Sáng ngày 3/8/2023 đã diễn ra Phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì. Sau cuộc họp, đã có một số báo đăng tải thông tin về việc Bộ Công Thương chưa trình Chính phủ Dự thảo Sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Công Thương khẳng định thông tin trên không chính xác. Vì trên thực tế, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định này vào ngày 18/7/2023. Bộ đã chủ động thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, vào năm 2022, khi thị trường xăng dầu có những biến động lớn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 và Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 (Nghị định 83) và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95) theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.
Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (tại cuộc họp ngày 12/11/2021) rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định nêu trên.
Đồng thời, ngay sau đó, ngày 14/11/2022, Bộ Công Thương đã có các Công văn số 7197 và 7198 gửi các Bộ ngành, địa phương, về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Song song với đó, có Công văn số 7254/BCT-TTTN ngày 16/11/2022 gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tổ chức 2 cuộc họp về vấn đề sửa đổi Nghị định ngay trong tháng 11/2022. Đến ngày 21/11, Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến.
Đến đầu tháng 1/2023, Bản dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu đầu tiên đã được tổ soạn thảo xây dựng gửi xin ý kiến các Bộ ngành, doanh nghiệp.
Ngay sau đó, ngày 14/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và VCCI đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu” để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu và các chuyên gia kinh tế.
Đồng thời, ngày 6/3/2023, Bộ Công Thương tiếp tục tham dự Tọa đàm kinh doanh xăng dầu và bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia do Báo Tiền phong tổ chức để lắng nghe và có ý kiến giải đáp về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm trong dự thảo Nghị định.
Ngày 3/4/2023, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tiến độ sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và việc xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sửa đổi.
Ngày 18/5/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lần cuối liên quan đến sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Sau nhiều lần xin ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7/2023.
Bộ Công Thương thông tin, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây, ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu; thời gian điều hành; dự trữ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý… Đó đều là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận rất kỹ trong quá trình sửa đổi.
Tuy nhiên, năm 2022, những biến động của thị trường xăng dầu mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó… Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo khi soạn thảo Nghị định này là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.