Bộ Công Thương: Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Đồng Nai
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Đồng Nai và kiểm tra hiện trường Công ty Thủy điện Trị An.
Kiến nghị xây dựng hoàn thành bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An
Ngày 15/9, ông Tô Xuân Bảo - Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Đồng Nai năm 2023.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các loại hình thiên tai như: Mưa lớn gây ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, sét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng, đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 2 người chết, 1 căn nhà cấp 4 và 1 nhà kho bị sập, 34 căn nhà tốc mái, 84 căn nhà bị ngập, 189 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, khoảng 1.673 tấn cá bị chết và thoát ra sông; khoảng 1.285,5 ha lúa, hoa màu - cây ăn quả bị ngập nước và hư hại… thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 33 tỷ đồng.
Khi nhận được thông tin về thiên tai, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai phương pháp ứng phó, đồng thời cảnh báo đến nhân dân các vùng có thể bị đe dọa để chủ động ứng phó. Đồng thời trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó tại hiện trường.
Sau thiên tai, UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phối hợp với tổ chức liên quan kiểm tra đánh giá tình hình thiệt hại sau mỗi đợt tại các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các ngành huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả, giúp đỡ gia đình có nhà bị đổ, sửa chữa nhà hư hỏng… từ nguồn dự phòng ngân sách và quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh.
Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Công ty Thủy điện Trị An, ông Võ Tấn Nhẫn - Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An - cho biết: Đến thời điểm hiện nay, công ty luân tuân thủ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điêu của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều và các quy định liên quan khác. Cũng như các nội dung chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, Công ty Thủy điện Trị An cũng đã ban hành Quyết định số 368 ngày 16/3/2023 về việc thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công trình Thủy điện Trị An năm 2023 có sự tham gia của thành viên các huyện: Vĩnh Cửu, Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên.
Công ty cũng đã xây dựng các phương án thực hiện phương châm 4 tại chỗ tại các địa phương, đặc biệt củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Đồng thời rà soát nhân lực, thiết bị, phương tiện, các nguồn vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Song song với đó, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần huy động để ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiến nghị đoàn công tác một số nội dung trọng tâm như: Bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính, quan tâm ban hành hướng dẫn chế độ tài chính của Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh…; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan tâm ban hành quy định cụ thể về tổ chức, nhân sự, hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời, quan tâm sớm chỉ đạo xây dựng hoàn thành bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An, bàn giao cho Công ty thủy điện Trị An làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, để kịp thời triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - chủ động phòng và ứng phó
Tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo - Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) cùng các thành viên đoàn công tác đánh giá cao tỉnh Đồng Nai đã tổ chức triển khai kịp thời và hiệu quả các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo, Ủy ban quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Cũng như luôn chủ động chuẩn bị phương án ứng phó về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với tình hình mưa bão năm 2023.
Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai được tỉnh Đồng Nai triển khai kịp thời… Đặc biệt, công tác phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tập huấn, diễn tập bằng nhiều hình thức dễ hiểu, gắn với tính bản địa của đồng bào. Đoàn kiểm tra cũng đánh giá cao với phương hướng, kế hoạch công tác phòng chống thiên tai những tháng cuối năm 2023 mà tỉnh đã báo cáo…
Để công tác phòng chống thiên tai được triển khai hiệu quả hơn nữa, Đoàn công tác đề nghị, tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục phát huy và quán triệt đến các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và các chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương về công tác phòng chống thiên tai.
Đồng thời lưu ý, Đồng Nai rà soát, cập nhật kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh và phương án ứng phó với các loại hình thiên tai lớn, loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; rà soát và xây dựng phương án bảo vệ các khu vực xung yếu, khu vực biển đảo, khu du lịch; đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, xây dựng phương án đảm bảo an toàn hạ du.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra; quan tâm đến công tác dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án và triển khai huấn luyện, diễn tập phương án ứng phó thiên tai, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo các tình huống cụ thể, tránh lúng túng, bị động khi xảy ra thiên tai...