Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ ngày 1/5/2020

Bộ Công Thương kiến nghị dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hạn ngạch và cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ ngày 1/5/2020.

Từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn. Ảnh minh họa

Cung - cầu gạo trong nước đã ổn định

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa ký báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra lượng gạo hàng hóa tại các cảng, cũng như quy trình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm soát, thông quan hàng hóa tại một số cảng, cửa khẩu.

Báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành được tổng hợp từ các buổi làm việc với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan khu vực I, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh; khảo sát tại cảng Cát Lái, cảng ICD, đại diện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành thống nhất phương án kiến nghị kể từ ngày 1/5/2020 sẽ dừng cơ chế điều hành xuất khẩu theo hạn ngạch và cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Đề xuất của Bộ Công Thương được đưa ra khi an ninh lương thực không còn lo ngại, cung - cầu gạo trong nước đã được ổn định, mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong quý I/2020 đạt 1,52 triệu tấn; hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 là 400 nghìn tấn và được bổ sung 100 nghìn tấn tạm ứng trước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020 của Văn phòng Chính phủ. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.

Với tổng lượng gạo cả nước có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (bao gồm cả lượng gối đầu từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200 nghìn tấn), thì lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 22/4/2020 với Đoàn kiểm tra liên ngành, các ý kiến đều khẳng định vụ Đông Xuân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, số liệu về sản lượng nhìn chung không có sự thay đổi so với đánh giá tại cuộc họp ngày 26/3/2020.

Lý do khác nữa là do giãn tiến độ xuất khẩu từ ngày 24/3 đến ngày 10/4/2020 nên lượng thóc - gạo còn tồn tại kho của các thương nhân là khá lớn. Nhiều ý kiến cũng đề nghị có biện pháp giải phóng nhanh lượng gạo đang tồn tại các cảng do không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch, đồng thời đẩy nhanh tốc độ thông quan mặt hàng gạo để giảm thiểu chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu tàu cho thương nhân.

Do vậy, các tỉnh và các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị cho tăng thêm lượng hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 từ 600 - 650.000 tấn, hoặc cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, không áp dụng hạn ngạch.

Không xuất khẩu tiểu ngạch

Cùng với đề xuất bỏ hạn ngạch, Bộ Công Thương cũng đề nghị chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Qua tổng hợp các ý kiến từ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam... cho rằng: Tình hình an ninh lương thực vào thời điểm này không còn là vấn đề đáng lo ngại như thời điểm cuối tháng 3.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu; đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trong trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.

Cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, chiều 27/4, Tổng cục Hải quan cho biết, lượng gạo của các tờ khai bị hủy được đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn là 53.321 tấn. Lý do hủy tờ khai là do đã quá 15 ngày nhưng doanh nghiệp đăng ký không xuất trình được hàng hóa để kiểm tra.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-kien-nghi-xuat-khau-gao-tro-lai-binh-thuong-ke-tu-ngay-1-5-2020-post77818.html