Bộ Công Thương lên tiếng về thông tin 'chưa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu'
Bộ Công Thương cho biết, thông tin chưa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu là không chính xác, cơ quan này đã trình vào ngày 18/7.
Liên quan đến Phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì sáng ngày 3/8/2023, đã có một số báo đăng tải thông tin về việc Bộ Công Thương chưa trình Chính phủ Dự thảo Sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
"Bộ Công Thương xin đính chính là thông tin này không chính xác. Vì trên thực tế, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định này vào ngày 18/7/2023", Bộ Công Thương cho biết.
Được biết, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, thậm chí đây được xem là "căn nguyên" gây nên tình trạng thiếu xăng cục bộ trong một số thời điểm.
Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc sửa đổi các quy định của Nghị định quản lý về kinh doanh xăng dầu lần này có vai trò sống còn, tác động đến số phận hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ và nhiều doanh nghiệp liên quan đến mảng kinh doanh xăng dầu. Trong đó, liên quan tới các nội dung như phương thức điều hành giá, chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu, quy định nguồn nhập hàng của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đầu mối điều hành giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá...
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết đã gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh các quy định trong Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu không công bằng, đẩy các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu buộc phải giải thể, phá sản.
Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ mong muốn phải được lấy hàng ở ít nhất là 03 nơi để không bị chèn ép và không phải đóng cửa hàng khi nhà cung cấp duy nhất không giao hàng. Đồng thời, quy định về chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ phải được ghi nhận vào công thức tính giá cơ sở.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng, cần quy định chiết khấu tối thiểu là 5-6%/giá bán lẻ tại thời điểm bán ra để đảm bảo doanh nghiệp bán lẻ hoạt động bình thường và xuyên suốt, kể cả lễ và Tết để phục vụ cho người dân và phát triển kinh tế.