Bộ Công Thương lý giải vì sao không cần dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Bộ Công Thương cho hay, việc điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/ lần như hiện nay khiến giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới và tác động không lớn đến kinh tế- xã hội.

Giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá xăng dầu thế giới

Giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá xăng dầu thế giới

Việc điều hành giá xăng dầu 7 ngày/ lần được thực hiện theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP. Bộ Công Thương đánh giá, chu kỳ điều hành giá xăng dầu được rút ngắn đã giúp giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, mức biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

“Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu”- Bộ Công Thương khẳng định.

Về nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn) và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 19,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%).

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho hay, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, bằng với 8 tháng đầu năm 2023 (8 tháng đầu năm 2023 đạt 18,17 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).

Tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2024 khoảng 18 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tồn kho thời điểm 8 tháng năm 2024 khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế cho các Nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nội dung được phản hồi nhiều nhất là quy định cứng mức chiết khấu cho khâu bán lẻ và quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau.

V. Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-cong-thuong-ly-giai-vi-sao-khong-can-dung-quy-binh-on-gia-xang-dau-post592824.antd