Bộ Công Thương nêu 7 giải pháp cụ thể đảm bảo cung ứng điện năm 2024
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, để đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm và năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nêu 7 giải pháp cụ thể và cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Chiều 4/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ.
Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến việc bảo đảm cung ứng điện cho những tháng cuối năm 2023 và năm 2024; Cách tính giá điện và việc thanh kiểm tra việc cung ứng điện.
Liên quan đến những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề ra những giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm và năm 2024.
Nói về giải pháp, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công thương cũng đề ra 7 giải pháp cụ thể, bao gồm: Đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất điện; đẩy mạnh tiến độ đầu tư, đặc biệt công trình trọng điểm; đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, khắc phục sự cố mất điện; điều độ vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu, đảm bảo chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả; thực hiện khuyến khích đầu tư xây dựng điện mái nhà; và khẩn trương rà soát, trình ban hành kế hoạch quy hoạch điện 8.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm: Ngoài việc đảm bảo cung ứng điện, một trong những công tác quan trọng là đảm bảo tiết kiệm điện hiệu quả. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN nâng cao công tác dự báo, xây dựng các dự báo đối phó với thời tiết cực đoan, đảm bảo đủ cung ứng điện phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân.
Liên quan tới nội dung về cách tính giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vấn đề này căn cứ theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã quy định cụ thể về phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân (bao gồm cả chi phí trong quá trình sản xuất, phân phối điện); Đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Các cơ chế điều hành, điều chỉnh đã thể hiện rất rõ tại Quyết định 24 liên quan đến các nội dung ví dụ như: Thông số đầu vào biến động, làm cho giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên, thì sẽ xem xét điều chỉnh tăng; nếu giảm sẽ điều chỉnh giảm.
“Điện là hàng hóa tác động đến kinh tế - xã hội, việc điều chỉnh điện sẽ bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nên Quyết định 24 quy định là việc điều chỉnh điện phải báo cáo Thủ tướng. Chính vì vậy, trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định nhằm đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân”, ông Sinh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang nghiên cứu và sửa đổi Quyết định số 24 về xây dựng cơ chế điều chỉnh theo lộ trình phù hợp. Hiện Bộ đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan tới việc thanh tra về cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Bộ đã thanh tra và trên cơ sở đó đã có kết luận thanh tra vào tháng 7 vừa qua. Riêng Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra và tiến hành kiểm điểm các đơn vị liên quan trong Bộ. Đặc biệt, Bộ đề xuất tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai các biện pháp để khắc phục, tìm các giải pháp để tránh các sai sót trong thời gian vừa qua.