Bộ Công Thương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025
Đó là nội dung cuộc họp với các đơn vị liên quan trong Bộ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 280/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, diễn ra chiều 26/8.
Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao
Cụ thể, theo kết luận của thông báo, Thường trực Chính phủ đánh giá tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết, đối với nhiệm vụ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 229/TB-VPCP ngày 5/7/2019 của Văn phòng Chính phủ: Bộ Công Thương đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII và đã có Tờ trình số 5566/TTr-BCT ngày 2/8/2019 đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII.
Tiếp nội dung trên, ngày 9/8/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp về vấn đề nêu trên. Sau cuộc họp, Cục Điện lực đã phối hợp và gửi lại Vụ Công nghiệp - Văn phòng Chính phủ dự thảo hoàn thiện Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII.
Về nhiệm vụ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới. Trước đó, ngày 31/7/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp về rà soát cơ chế đặc thù cho các dự án điện với sự tham gia của các đơn vị trong Bộ và các tập đoàn (EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam). Trên cơ sở cuộc họp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã phối hợp với EVN rà soát, hiệu chỉnh cơ chế, tổ chức họp để làm rõ một số nội dung.
Ngày 14/8/2019, EVN đã có Tờ trình số 4262/TTr-EVN gửi Bộ Công Thương đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc quy định thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, triển khai các dự án điện và quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực. Trên cơ sở Tờ trình của EVN và rà soát lần cuối, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã hoàn thiện, báo cáo trình lãnh đạo Bộ ký duyệt Tờ trình số 6148/TTr-BCT ngày 21/8/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, đối với nhiệm vụ đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề ngoài thẩm quyền: ngày 26 tháng 7 năm 2019, Bộ Công Thương đã có Thông báo số 170/TB-BCT thông báo Kết luận của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lãnh đạo bộ phụ trách năng lượng, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn.
Các dự án phải được thực hiện nghiêm theo đúng quy định luật pháp
Liên quan đến việc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án cần thiết, cấp bách cần triển khai để đảm bảo cung ứng điện và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia theo đề nghị của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 6148/TTr-BCT ngày 21/8/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị quyết định về việc quy định thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, triển khai các dự án điện và quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực.
Tại dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương đã đề xuất danh mục các nguồn điện cấp bách bao gồm các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Ô Môn, Nhơn Trạch, Dung Quất, miền Trung; các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng; một số dự án lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án nguồn điện cấp bách và giải tỏa công suất năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN chú ý sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo đã và đang xây dựng để đạt hiệu quả nhất và đảm bảo công khai, minh bạch. Về việc này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đầu mối đã tổ chức đoàn của Bộ Công Thương đi thực tế, làm việc với các địa phương và các chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo (Ninh Thuận, Bình Thuận). Theo đó, Bộ Công Thương đã có thông báo giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tập đoàn cũng như đề nghị UBND các tỉnh, các chủ đầu tư dự án một số nội dung liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn năng lượng tái tạo (Thông báo số 168/TB-BCT ngày 19/7/2019).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã triển khai công việc được giao một cách trách nhiệm. “Chỉ trong thời gian ngắn, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã rà soát, báo cáo tương đối đầy đủ kịp thời các diễn biến cũng như phân tích đầy đủ vấn đề đang tồn đọng, vướng mắc trong các dự án”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, trong thời gian ngắn tới, các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai 7 nhiệm vụ lớn mà Chính phủ đã nêu trong Thông báo số 280. “Cục Điện lực và Năng lương tái tạo cùng Vụ Dầu khí và Than tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng là bám sát và báo cáo kịp thời, nhất là trong phối hợp Văn phòng Chính phủ để sớm có kết luận của thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án Thái Bình 2” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ, các dự án phải được thực hiện nghiêm theo đúng quy định luật pháp, không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư hay làm bất cứ gì thay đổi với nguồn đầu tư của dự án. Các đơn vị tiếp tục xây dựng các kế hoạch để thực hiện dự án bằng những nguồn lực và điều kiện nội tại của đơn vị.