Bộ Công Thương: Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số
Để xây dựng Chính phủ số, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công trong các chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, Chính phủ số, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2024.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo toàn trình và chất lượng.
Đến thời điểm này, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến (168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 99 dịch vụ công trực tuyến một phần), với gần 54.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các dịch vụ công trực tuyến của Bộ trong 10 tháng năm 2024 là hơn 1,3 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Ngoài ra, thông qua các kênh liên lạc khác nhau như điện thoại, email, Bộ đã hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến khoảng 5.000 lượt.
Tiếp tục vận hành, kết nối Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ Công Thương (LGSP) với Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung Quốc gia (NGSP); Hệ thống chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin của Bộ Công Thương với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, góp phần đẩy mạnh việc phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin mức độ phát triển Chính phủ điện tử, mức độ số hóa trong hoạt động của các đơn vị, về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, Bộ Công Thương hiện đang đứng đầu các Bộ, ngành trong cả nước.
Cụ thể, kết quả số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trong 10 tháng năm 2024 như sau: Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 95,38%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 95,36%.
Bộ Công Thương cũng tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, tính đến thời điểm báo cáo, Bộ đã trao đổi gần 236 nghìn bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN (ASW). Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về kết nối Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương với Cổng Dịch vụ công quốc gia, với quan điểm và thực tiễn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đến nay, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi gần 1,5 triệu bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý cán bộ theo mẫu lý lịch 2c hợp nhất (với 109 trường dữ liệu thông tin) theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BNV và đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống quản lý văn bản điện tử của Bộ.