Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024
Chiều ngày 19/6/2024, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024 và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1945 - 21/6/2024).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo và gửi lời chúc mừng đến các phóng viên, nhà báo theo dõi, đồng hành cùng ngành Công Thương, Bộ Công Thương trong thời gian qua.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, ngành Công Thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao (Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%; xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%; nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%), đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp với chỉ số IIP tăng cao. Qua đó, có đóng góp trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và ổn định các nền tảng tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước; góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong 6 tháng năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và trong nước để linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân nhằm khởi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhờ đó, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành ước tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 giảm 1,2%; 2022 tăng 8,4%, 2021 tăng 9,0%). Công nghiệp phục hồi nhờ đóng góp lớn của ngành nghiệp chế biến, chế tạo với IIP 6 tháng tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,6%) và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, tăng 12,9% (cùng kỳ 2023 tăng 1,5%).
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 55/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 5 tháng, hoạt động sản xuất và cung ứng điện nhìn chung ổn định đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 30/5) tăng 12,27% so với cùng năm 2023. Trong ngày 29 tháng 5 năm 2024, do nhu cầu phụ tải tăng cao, sản lượng hệ thống điện ngày ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm (1,008 tỷ kWh), cao hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, ông Bùi Huy Sơn cho biết, nửa đầu năm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô - 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).
Xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%) với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao (trong 5 tháng đầu năm) như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao (trong 5 tháng đầu năm) như: Cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật là thị trường Hoa Kỳ (ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD).
Cũng trong 5 tháng, thị trường trong nước đã được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.106 nghìn tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2023 tăng 1,8%).
Tiêu dùng hàng hóa tăng trưởng mạnh và ổn định ở mức cao đối với các nhóm hàng hóa cho thấy thu nhập thực tế người dân đã được cải thiện từ phục hồi kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.406 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,48% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,8%).
Dù đạt được những kết quả tích cực, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Cùng đó, hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng, đặc biệt là đối với điện và xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do biến động giá cả xăng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế; tình hình thời tiết, thủy văn không ổn định gây ảnh hưởng đến cung - cầu về điện.
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng đô la; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI; một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất.
Cũng trong buổi họp báo, chia sẻ về công tác phối hợp truyền thông của Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng - Trưởng phòng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp giữa hai đơn vị. Bộ Công Thương, đặc biệt là Văn phòng Bộ đã nhanh chóng phản hồi, cung cấp thông tin, tài liệu chính xác và đầy đủ khi có đề nghị của phóng viên.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ và mong muốn, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các phóng viên, nhà báo trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Nhà báo Vũ Minh Hường cho biết, thông tin từ ngành Công Thương luôn là một trong những chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, nhà báo. Văn phòng Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng trong Bộ đã thường xuyên và kịp thời giải đáp những thắc mắc xung quanh những vấn đề nóng như xăng dầu, điện...
"Bộ Công Thương đã cởi mở hơn với báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành nhiệm vụ do tòa soạn phân công", nhà báo Vũ Minh Hương chia sẻ.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các phóng viên, nhà báo đã có nhiều đóng góp cho công tác truyền thông của Bộ Công Thương năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam.