Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Hội nghị triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm phổ biến quy định mới và nâng cao năng lực thực thi trong toàn ngành.
Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Sáng 24/7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai và tập huấn về công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương như: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công và đại diện các bộ, ban ngành liên quan. Hội nghị cũng được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu là Sở Công Thuơng của các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê An
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh: Bộ Công Thương là cơ quan quản lý đa ngành, trong đó có nhiều lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như xăng dầu, hóa chất, điện lực, khai thác khoáng sản... Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn được bộ đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được những kết quả tích cực. Đáng chú ý, cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 15/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sửa đổi).
Trong đó, một nội dung mới quan trọng là việc chuyển giao thẩm quyền cấp phép đối với một số sản phẩm, hàng hóa nguy hiểm cháy nổ từ Bộ Công an sang Bộ Công Thương. “Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị chuyên môn trong ngành Công Thương, từ cấp Bộ đến các Sở”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài thông tin.
Do đó, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhận định hội nghị nhằm giúp các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Sở Công Thương địa phương cũng như các doanh nghiệp liên quan kịp thời nắm bắt nội dung Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Nghị định 105/2025/NĐ-CP, triển khai hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định.
Bên cạnh việc phổ biến chính sách mới, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kỳ vọng hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.
Nâng cao hiệu lực quản lý phòng cháy chữa cháy theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP.
Nghị định 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nội dung nghị định bao gồm các quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nội dung liên quan đến việc ban hành nội quy, lập và quản lý hồ sơ, khai báo và cập nhật dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê An
Nghị định cũng quy định cụ thể về nội dung và thời gian thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trình tự, thủ tục và thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trong quá trình lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn; quy trình thẩm định thiết kế phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông; kiểm tra, nghiệm thu công trình về an toàn phòng cháy trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, nghị định quy định lộ trình trang bị các thiết bị như bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu; việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong chữa cháy các công trình lưỡng dụng; quy trình huy động lực lượng, phương tiện từ quân đội và các nguồn lực khác để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm đầu tư và bảo trì các công trình cấp nước phục vụ chữa cháy.
Nội dung nghị định còn đề cập đến việc thành lập, tổ chức hoạt động và bảo đảm điều kiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, lực lượng chuyên ngành, dân phòng và lực lượng tình nguyện; quy định về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và các chế độ chính sách cho người tham gia, đặc biệt trong trường hợp tai nạn, bị thương hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Nghị định 105/2025/NĐ-CP cũng quy định về danh mục cơ sở bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ; chế độ quản lý và sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm; việc tiếp nhận tài trợ, đóng góp tự nguyện trong và ngoài nước; bảo đảm ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, quy định về xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định chuyển tiếp về kiểm định phương tiện, thiết bị; lộ trình xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành.