Căng thẳng Thái Lan-Campuchia: Tên lửa rơi trúng cửa hàng tiện lợi, khói nghi ngút tại hiện trường; cảnh báo tổn hại di sản văn hóa thế giới
Quân đội Thái Lan ngày 24/7 cho biết, một vụ tấn công bằng tên lửa được cho là xuất phát từ phía Campuchia đã khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương tại một trạm xăng đông đúc ở Đông Bắc Thái Lan.

Khói bốc lên từ mái một cửa hàng tiện lợi gần một trạm xăng ở tỉnh Sisaket, Thái Lan sau khi bị trúng tên lửa ngày 24/7. (Nguồn: Bangkok Post)
Hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn quân đội Thái Lan xác nhận tên lửa rơi trúng khu vực gần một cửa hàng tiện lợi 7/11, gây hư hại nghiêm trọng và khiến nhiều người bị thương. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh hỗn loạn tại hiện trường với khói bốc lên nghi ngút và người dân tìm cách sơ cứu nạn nhân.
Cùng ngày, Bangkok Post đưa số liệu 4 thường dân thiệt mạng trong 2 vụ việc riêng biệt liên quan vụ bắn tên lửa của Campuchia tấn công vào các cộng đồng ở hai tỉnh của Thái Lan vào sáng ngày 24/7.
Đã có hai người thiệt mạng và hai người bị thương khi tên lửa BM-21 được cho là bắn từ Campuchia nhằm mục tiêu một ngôi làng ở huyện Kap Choeng, tỉnh Surin, nơi đang diễn ra cuộc di tản lên tới 40.000 cư dân đến các nơi trú ẩn khẩn cấp.
Ông Sutthiroj Charoenthanasak, Trưởng huyện, xác nhận hai quả rocket đã rơi trúng ngôi làng lúc 9 giờ 40 phút sáng trong khi người dân đang chờ sơ tán. Bốn người bị thương, hai người sau đó tử vong tại bệnh viện, bao gồm một trẻ em 12 tuổi và một người lớn.
Chính quyền đang sơ tán người dân từ 86 ngôi làng đến các nơi trú ẩn khẩn cấp tại các trường học ở huyện Prasat lân cận. Ông Sutthiroj cho biết, có đủ sức chứa tại các nơi trú ẩn hầu hết người sơ tán đã đến nơi an toàn.
Người đứng đầu huyện cho biết thêm rằng các quan chức vẫn chưa khảo sát địa điểm tấn công do lo ngại liên tục có hỏa lực pháo binh.

Cảnh sát kiểm tra một ngôi nhà ở huyện Kap Choeng, tỉnh Surin sau khi tên lửa được cho là do lực lượng Campuchia bắn trúng các mục tiêu dân sự vào sáng ngày 24/7. (Nguồn: Bangkok Post)
Tại huyện Kap Choeng, tỉnh Surin, bệnh nhân đang được sơ tán khỏi các bệnh viện Phanom Dong Rak và Kap Choeng sau khi tên lửa rơi gần tàn tích chùa Ta Muen. Hiện chưa có báo cáo thương vong nào được công bố.
Tại tỉnh Si Sa Ket, có hai người thiệt mạng và nhiều thường dân khác bị thương khi tên lửa rơi vào một siêu thị của một trạm xăng ở Ban Phue thuộc huyện Kanthararak, tỉnh trưởng Watthana Phutthichat cho biết.
Lực lượng cứu hỏa và cứu hộ Thái Lan cho hay hai nạn nhân tử vong tại siêu thị là học sinh. Phóng viên của Thaipbs cho biết thi thể của họ được tìm thấy trong đống đổ nát.
Theo thông tin từ quân đội Thái Lan, tổng cộng đã có ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương trong các vụ tấn công liên tiếp trong ngày. Ngoài tỉnh Sisaket, các trường hợp tử vong khác được ghi nhận tại tỉnh Surin và Ubon Ratchathani.
Các cuộc không kích diễn ra một ngày sau khi một người lính Thái Lan bị mất chân vì mìn ở biên giới, khiến cả Bangkok và Phnom Penh đều hạ cấp quan hệ ngoại giao.

Cờ Thái Lan trước cửa Đại sứ quán Campuchia, Bangkok, ngày 24/7. (Nguồn: Getty Images)
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Campuchia cho hay hai quả bom do máy bay chiến đấu F-16 thả xuống đã rơi trúng tuyến đường dẫn tới chùa Wat Kaew Seekha Kiri Svarak – khu vực nằm trong vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước. Campuchia khẳng định toàn bộ khu vực bị tấn công nằm trên lãnh thổ nước này.
Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia ra tuyên bố lên án các cuộc không kích của Thái Lan, cho rằng việc nhắm mục tiêu vào khu vực đền Preah Vihear – di sản thế giới do UNESCO công nhận – có thể vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến di sản văn hóa.
Tuyên bố nêu rõ các cuộc tấn công đã gây thiệt hại đáng kể cho khu vực xung quanh và một số hạng mục của đền Preah Vihear – di tích được coi là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Campuchia. Bộ này cũng cảnh báo hành động quân sự gần ngôi đền có thể dẫn tới hậu quả sâu rộng đối với di sản toàn cầu và bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại khu vực này.
Thái Lan và Campuchia chia sẻ đường biên giới dài 817 km, phần lớn do thực dân Pháp vạch ra trong thời kỳ Campuchia là thuộc địa.
Một trong những nguyên nhân kéo dài căng thẳng được cho là tranh chấp lãnh thổ tại một số khu vực biên giới chưa được phân định rõ ràng. Campuchia từng đưa vụ việc ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Thái Lan không công nhận thẩm quyền của ICJ trong một số trường hợp và cho rằng nhiều khu vực biên giới chưa được xác lập đầy đủ.