Bộ Công Thương ủng hộ Bà Rịa Vũng Tàu phát triển thành trung tâm điện lực
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về các dự án nhà máy điện khí đang xin chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh, chiều 22/11.
Hiện, Bà Rịa Vũng Tàu đang được các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện khí quan trọng. Trước đề nghị của các nhà đầu tư, ngày 22/11, Bà Rịa Vũng Tàu báo cáo với Bộ Công Thương 5 dự án mà các nhà đầu tư đề xuất, đồng thời xin ý kiến từ Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch, phát triển hạ tầng các dự án điện khí này.
Báo cáo chi tiết về 5 dự án, bà Bùi Thị Dung – Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu – cho biết: Dự án Trung tâm nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, Bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ do Tập đoàn T&T Group và Công ty Gen X Energy đề xuất với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỷ USD, tổng diện tích sử dụng khoảng 200ha; Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn của Genco3, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất 152ha, sử dụng mặt nước 47,5ha; Dự án điện khí LNG Long Sơn vốn đầu tư 2,7 tỷ USD; Dự án Điện khí Bà Rịa Vũng Tàu của Công ty CP nhiệt điện Bà Rịa – Vùng Tàu, vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 1 vốn đầu tư 855 triệu USD. UBND cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung các dự án này vào trong quy hoạch điện lực.
Tại buổi làm việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có những trao đổi với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về những công việc cụ thể cần triển khai, các vấn đề khác liên quan đến phạm vi truyền tải; các yêu cầu, các bước cần thực hiện theo quy trình, thủ tục pháp luật; cũng như các khuyến nghị cụ thể về truyền tải điện, đấu nối để giải tỏa công suất… Vụ Dầu khí than cũng đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến thị trường khí hóa lỏng và thị trường khí trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, 5 dự án mà phía tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đề xuất là 1 tiềm năng và nếu khai thác hết sẽ đóng góp lớn cho việc phân phối điện cũng như phát triển năng lượng bền vững trên cơ sở nguồn điện sạch.
Khẳng định tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có điều kiện rất thuận lợi và có tính cạnh tranh trong phát triển điện khí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, về nguyên tắc chung, Bộ Công Thương ủng hộ Bà Rịa Vũng Tàu phát triển thành trung tâm điện lực, nhất là khí hóa lỏng.
Tuy nhiên, tính chất pháp lý dựa trên cơ sở sự chuẩn bị, nghiên cứu đề xuất cụ thể của nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương của các dự án ở mức độ khác nhau. Có những dự án tài liệu đã hoàn tất với chất lượng tương đối cao, trong đó có đưa ra mức dự kiến giá điện, đây là cơ sở rất tốt để Bộ Công Thương thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án tài liệu vẫn còn sơ sài, có dự án nhà đầu tư đã trình từ lâu nhưng lại thiếu ý kiến chính thức từ địa phương.
Ghi nhận các ý kiến phân tích, đánh giá cũng như các đề xuất từ phía tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, do yếu tố đặc thù của từng dự án, Bộ sẽ tiếp tục xử lý cho phù hợp. Đối với các dự án còn đang khởi sự trong nghiên cứu, Bộ sẽ có văn bản gửi tỉnh, từ đó tỉnh sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để hoàn thiện các nghiên cứu và tài liệu dự án.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh cần phân loại các dự án này và hiệu chỉnh lại để có phương án tiếp theo. Đồng thời, xem xét lại một cách rõ ràng về việc với điều kiện thực tế Bà Rịa Vũng Tàu như vậy thì nên phát triển điện khí mức nào? quy mô bao nhiêu? Về phía Bộ, cũng sẽ nghiên cứu kỹ và có báo cáo lại với phía tỉnh trên cơ sở đánh giá tổng thể các dự án.
Dự kiến, trong tháng 12/2019, Bộ sẽ tổ chức đoàn công tác trực tiếp vào khảo sát tại Bà Rịa Vũng Tàu đánh giá cụ thể 5 dự án ở tất cả các khía cạnh như: từ thượng nguồn đến hạ nguồn; khía cạnh công nghệ; khía cạnh thương mại…