Bộ Công thương và VCCI hợp tác 'đón đầu' thị trường xuất khẩu ngay khi dịch bệnh kết thúc
Để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, ngày 7-5, Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện lễ ký kết, cùng triển khai một loạt chương trình xúc tiến thương mại, đón đầu thị trường xuất khẩu ngay khi thế giới tạm lắng dịch bệnh.
Sáng nay 7-5, tại trụ sở Bộ Công thương - Hà Nội, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được ký kết, do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì.
Trên tinh thần cầu thị, Bộ Công thương đã trao đổi, thống nhất với VCCI về việc khẩn trương xây dựng một chương trình phối hợp công tác giữa hai bên, hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất tới người dân, doanh nghiệp, với 3 trụ cột hoạt động chính: hoàn thiện, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ Công thương, thời gian qua, cùng sự phối hợp của VCCI, đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Vì vậy, nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đã và đang được Bộ Công thương triển khai tích cực, chỉ đạo sát sao, đi tiên phong trong các bộ về việc xóa bỏ “giấy phép con” cho doanh nghiệp.
Tại lễ ký kết, Bộ Công thương và VCCI cũng cho biết, đã đang và sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và hội nhập quốc tế.
VCCI hiện là thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nên trong thời gian tới, hai bên sẽ triển khai một số đề án cấp bách, có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ để bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020.
Để giúp doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn về tiếp cận thị trường do dịch bệnh gây ra, hai bên đang phối hợp lên kế hoạch chi tiết để triển khai nhanh các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt tại các thị trường sớm hết dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Đặc biệt, sẽ tập trung khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Mở rộng triển khai kết nối giao thương trực tuyến với các thị trường khác như châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Đông... Theo đó, ưu tiên kết nối xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và thuộc diện ưu tiên của các nước; cụ thể các mặt hàng nông, thủy sản, thiết bị y tế và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.