Bộ Công Thương yêu cầu lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tăng công suất
Nhằm duy trì cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các khu vực bị thiếu xăng dầu cục bộ.
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 6327/BCT-TTTN gửi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Trong Công văn số 6327 ngày 13/10, Bộ Công Thương chỉ rõ, để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, yêu cầu 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Công văn cũng yêu cầu 2 công ty điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước. Trường hợp khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để có hướng xử lý.
Đây được cho là một trong những động thái của Bộ Công Thương nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, sau khi nhiều cây xăng treo biển hết hàng do khan hiếm nguồn cung. Thực tế, thời gian qua, 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp xăng dầu ra thị trường.
Sáng ngày 13/10, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung.
"Nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng hiện nay nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu" Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với 31 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ngày 12/10, ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, ngoài quý I có một số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối, sang Quý II, III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý IV sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây.
“Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối”, ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay, trung bình 9 tháng nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao. Hiện tại, nhà máy đã sản xuất 5,4 triệu, đáp ứng 83% kế hoạch. Nhà máy cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.
Trong ngày 14/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Công ty Xăng dầu khu vực I, kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia.
Tiếp đó, ngày 19/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc cũng sẽ trực tiếp làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - TP HCM thuộc Công ty xăng dầu khu vực II.